Chiều nay (27/6), các luật sư bào chữa cho các bị cáo đối đáp lại quan điểm luật tội của đại diện Viện kiểm sát (VKS).
Luật sư Nguyễn Xuân Bính, bào chữa cho bị cáo Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, để làm rõ ông Bình có thiếu trách nhiệm hay không, luật sư nhận thấy các văn bản ghi nhận quyền hạn, trách nhiệm của ông Bình thể hiện rõ trong quyết định 1239. Bên cạnh đó, trách nhiệm, quyền hạn còn được thể hiện ở quyết định 78 về việc thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu, có chức năng tham mưu cho lãnh đạo NHNN chứ không làm thay công việc giám sát. Luật sư cho rằng, đây là cơ sở để xem xét ông Bình có làm tròn trách nhiệm của mình hay không.
Luật sư Bính nêu, cơ quan thanh tra giám sát là cơ quan trực tiếp, thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo NHNN xem xét. Luật sư nhận thấy có rất nhiều tài liệu, tờ trình trình cho ông Bình về tình trạng Ngân hàng Đại Tín (sau là VNCB), đều được ông Bình xem xét kỹ. Ông Bình không hề bỏ sót một tờ trình nào. Theo đó, luật sư nêu quan điểm VKS cho rằng bị cáo Bình thiếu trách nhiệm thì vẫn chưa có căn cứ.
Mặt khác, ngày 3/7/2012, cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu, thể hiện trong kết luận cuộc họp. Luật sư cho rằng ông Bình đã thực hiện trọn vọn nhiệm vụ của mình, quyết định này là của NHNN chứ không riêng ông Bình.
Theo luật sư Bính, việc xây dựng tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình lâu dài và trong một năm tái cơ cấu, cơ quan giám sát đã có rất nhiều tờ trình xây dựng đề án. Bản thân bị cáo cũng có những chỉ đạo sát sao về phương án, vấn đề chấp nhận chuyển nhượng cổ phần, cuộc họp liên ngành tháng 12/2012 cho thấy quyết định cho ông Danh tham gia tái cơ cấu là của tập thể NHNN. Vậy cơ sở nào để VKS đưa ra quan điểm cho rằng ông Bình là người quyết định?
VKS căn cứ vào bút phê "việc kiểm tra vốn góp sẽ được thực hiện sau này" và cho rằng ông Bình không kiểm tra vốn góp. Theo luật sư, kiểm tra vốn góp là cụ thể hóa kiểm tra năng lực tài chính. Tại sao có thể nói bút phê này là không chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính?
Theo đó, luật sư nêu ông Bình đã có văn bản kiểm tra rõ nguồn tiền của nhóm đầu tư mới. Thứ hai, khi Ngân hàng Đại Tín đề xuất tăng vốn, ông Bình cũng có văn bản kiểm tra vốn góp, dòng tiền.
Luật sư Bính mong muốn lời khai của bị cáo, lời bào chữa sẽ được hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét kỹ lưỡng. Tại sao chỉ xảy ra với Đại Tín, nếu thiếu trách nhiệm thực sự thì các ngân hàng khác cũng không thành công khi tái cơ cấu cùng thời điểm 2012. Có phải phương án tái cơ cấu không đúng, chủ trương không đúng hay sai ở khâu nào đó?
Luật sư nêu mức đề nghị 4-5 năm của VKS là quá áp lực với ông Bình, với các bị cáo và với cả những lãnh đạo khác.
"Nếu xem xét tổng thể, đối chiếu theo quy định về tội thiếu trách nhiệm, phân tích chủ thể khách quan, mối quan hệ nguyên nhân hậu quả trong trường hợp này có hay không. Chúng tôi đề xuất nếu có thể, không xem xét trách nhiệm hình sự với ông Bình", luật sư trình bày tại tòa.
Tự bào chữa bổ sung, ông Đặng Thanh Bình cho biết, muốn nói đến thời kỳ năm 2011 — 2012, tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nợ nần khối doanh nghiệp lớn, chứng kiến lãi suất vay mượn trên thị trường cao, lãi suất liên ngân hàng 15-17%, lãi suất cho vay 25 —26%, có doanh nghiệp vay đến 30%.
"Đó là bối cảnh tái cơ cấu. Chúng tôi thực hiên tái cơ cấu trong khi nguồn lực không có, tái cơ cấu không có quy định về hoạt động tái cơ cấu, bước vào tái cơ cấu không được chuẩn bị về kinh nghiệm trong khi tái cơ cấu là bắt buộc phải làm, nếu không hậu quả là vô cùng lớn", ông Bình nêu.
Bị cáo Bình cho rằng, những người được giao việc tái cơ cấu là những người có động cơ trong sáng. Nói đoạn, nguyên Phó Thống đốc NHNN khóc nghẹn và được chủ tọa cho về chỗ.
Theo: Bizlive