Dư luận gần đây bức xúc việc tỉnh Thanh Hóa rục rịch chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 990 "Danh xưng Thanh Hóa" (1029-2019) và dự chi cho các hoạt động liên quan đến sự kiện này lên tới 104 tỉ đồng. Không bức xúc sao được khi năm nào Thanh Hóa cũng xin gạo cứu đói từ trung ương cho hàng ngàn nhân khẩu, xin ngân sách để chi thường xuyên vì thu không đủ chi. Các em nhỏ miền núi còn thiếu ăn, không đủ áo ấm để mặc, trường lớp xuống cấp, đường sá đi lại khó khăn.
Bản "nhiều không"
Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 250 km về phía Tây, Mường Lát được xem là huyện biên giới nghèo khó nhất của tỉnh này. Thành phần dân tộc chủ yếu là người Mông, Thái, Dao…
Ở những bản làng xa xôi như Tà Cóm, Cò Cài, Sài Khao… của huyện, người dân vẫn sống trong nghèo khổ, thiếu đủ thứ. Đường dẫn vào bản chỉ là những con đường đất bạt ngang sườn núi hoặc người dân đi nhiều rồi thành đường. Ngày mưa muốn vào bản chỉ có đi bộ vì nước suối chia cắt, đường trơn trượt không thể đi xe máy. Đường không có, người dân nhiều bản làng ở Mường Lát cũng sống trong cảnh không có điện, nếu bản nào tận dụng làm điện mini cũng chỉ thắp được cái bóng chiếu sáng, còn không thì quanh năm leo lắt đèn dầu.
Để vào được một điểm trường thuộc bản Sậy, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, phóng viên đã phải "đánh vật" với con đường đất lầy lội khoảng 12 km từ trung tâm xã vào bản. Đến nơi, 12 em học sinh đang ngồi ê a học bài trong một nhà tranh tre tạm bợ, trống huơ trống hoác nằm cheo leo bên sườn đồi cạnh dòng sông Mã. Nhiều em nhỏ nơi đây phải băng rừng, lội suối cả cây số để mong kiếm được con chữ. Do không có nhà bán trú nên sáng sớm đi học, các em phải cơm đùm, cơm nắm mang theo, trưa ở lại lấy ra ăn cho đỡ đói.
Theo thầy giáo Lò Văn Thơm (quê huyện Quan Sơn) — người đã có 5 năm cắm bản dạy chữ cho học sinh bản Sậy, bản hiện có 34 học sinh tiểu học với 3 phòng học; trong đó có 2 phòng đã xây dựng kiên cố, 1 phòng tạm bợ tranh tre nứa lá.
"Do không đủ phòng nên nhiều năm qua, học sinh 2 khối phải ngồi chung 1 phòng học (khối 1 chung với khối 2; khối 3 chung với 4), chung 1 bảng viết.
"Ở đây đang vất vả, thiếu thốn lắm! Giáo viên thiếu, phòng học thiếu, đường đi lại mùa mưa lầy lội, điện không có. Trước đây, chúng tôi còn mù tịt thông tin, nay thì có 1 trạm phát sóng điện thoại nên đã liên lạc được ra bên ngoài" — thầy Thơm tâm sự.
Dù khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng 5 năm qua, thầy Thơm vẫn miệt mài cắm bản để dạy chữ cho học sinh nghèo nơi thâm sơn cùng cốc này. Không chỉ các thầy giáo cắm bản mà người dân nơi đây đã từ lâu ao ước có 1 phòng học kiên cố, khang trang đúng nghĩa chỉ vài trăm triệu đồng để con em họ yên tâm ngồi học mà xa vời quá.
6 huyện trong nhóm nghèo nhất nước
Theo báo cáo của huyện Mường Lát, địa phương này còn 31 bản chưa có điện, 10 bản chỉ có một nửa. Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết 31 bản chưa có điện là những bản xa xôi, cách trung tâm xã hàng chục km.
"Đường sá xa, đi lại khó khăn nên địa phương không thể làm gì được. Trung ương và tỉnh mà không đầu tư thì chúng tôi cũng chịu vì ngân sách của huyện không có. Điện là nhu cầu bức thiết của người dân, muốn nâng cao đời sống của người dân thì phải có đường, có điện, từ đó mới làm nông thôn mới được. Vấn đề này họp HĐND dưới tỉnh chúng tôi cũng nói, đoàn công tác của tỉnh, trung ương lên huyện cũng đề nghị suốt. Đường sá khó khăn còn có thể khắc phục được, chứ điện thì phải trông chờ cấp trên thôi" — ông Thông nói.
Mỗi năm, cả huyện thu ngân sách từ 5-6 tỉ đồng, không bằng 1 xã dưới xuôi, trong khi chi thường xuyên của huyện hơn 200 tỉ đồng (chủ yếu chi trả lương cho cán bộ) nên dù biết nhiều nơi đường sá, điện không có, trường xuống cấp, hư hỏng cũng đành "lực bất tòng tâm".
Không chỉ Mường Lát mà ở 6 huyện nghèo nhất nước của tỉnh Thanh Hóa như Bá Thước, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh không khó để bắt gặp những ngôi trường tranh tre, nứa lá tạm bợ, nhiều bản làng chưa có điện, trường lớp học vẫn còn đơn sơ, xập xệ, thiếu thốn.
"Trước đây có Chương trình 20 của Chính phủ hỗ trợ xây lớp học, Quan Sơn phấn đấu đến năm 2020 sẽ xóa được lớp học tạm bợ, tranh tre. Nay chương trình này bị cắt giảm nên việc xóa bỏ rất khó khăn, ngân sách của huyện thì eo hẹp, chỉ đủ sửa chữa, cải tạo chứ không có xây mới" — ông Xuân thông tin.
Hiện Quan Sơn phải xây mới 125 phòng học thì mới xóa được lớp học tranh tre, kinh phí lên tới hàng chục tỉ đồng.
Ngăn chặn bòn mót, vơ vét của công
Theo nhiều bạn đọc, trong đó có bạn An An Lành, Hoàng Ân, Người Việt…, đây là một trong những hình thức tham nhũng, lãng phí; "ăn không chừa thứ gì", kể cả… danh xưng. Đồng thuận với ý kiến trên, một bạn đọc có địa chỉ mail mai2owen@yahoo.com nhận định: "Xứ Thanh cần xử thêm nhiều cán bộ tiềm ẩn hư hỏng, thiếu tầm, thiếu trách nhiệm với dân, chỉ lo huênh hoang, thu vén, hoa hồng…".
Bạn đọc Ông Đồ đề xuất: "Đây là nguyên nhân xuất hiện nhóm lợi ích tham nhũng, bòn mót, vơ vét của công, cần phải ngăn chặn kịp thời". Từ câu chuyện này, độc giả Nguyễn Kim Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo dứt khoát, "chấm dứt những lãng phí, màu mè, hình thức này". S.NGỌC
Một hội nghị dự chi hơn 23 tỉ đồng!
Theo ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm "danh xưng Thanh Hóa" với khái toán số tiền dự chi là hơn 104 tỉ đồng, trong đó hơn 82 tỉ đồng lấy từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, kinh phí dành cho ngày lễ kỷ niệm dự kiến khoảng 10 tỉ đồng. Kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 ngày mất của Anh dùng Dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018 dự chi khoảng 8 tỉ đồng; hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2019 (tháng 4-2019) dự chi 23,4 tỉ đồng; triển lãm thành tựu kinh tế — xã hội tỉnh Thanh Hóa (tháng 5-2019) khoảng 9,7 tỉ đồng; Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2019 dự kiến chi khoảng 5 tỉ đồng…
"Chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động cho lễ kỷ niệm một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả" — ông Phương nói.
Theo: NLĐ