Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu như vậy tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết trung ương 7, khóa XII của Đảng tổ chức hôm nay 29-6.
Hội nghị tổ chức trực tuyến, từ điểm cầu chính tại Hà Nội và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cần khắc phục "bệnh" lười học nghị quyết
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư lưu ý các đại biểu nghiên cứu sâu nội dung nghị quyết và các bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, để nhận thức đúng, đầy đủ tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của từng nghị quyết.
"Tham dự Hội nghị lần này là cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên. Do vậy, việc học tập và quán triệt nghị quyết hôm nay không chỉ để các đại biểu hiểu, nhận thức đúng về nghị quyết, mà còn giúp các đại biểu có thêm kiến thức để làm tốt việc giới thiệu, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân", Thường trực Ban Bí thư nói.
"Quá trình tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; kiên quyết khắc phục bệnh lười học nghị quyết, học tập hình thức, đối phó; tiếp tục đổi mới việc học tập nghị quyết, trên cơ sở coi trọng cá nhân chủ động tự nghiên cứu nghị quyết, trao đổi, thảo luận".
Cuối cùng, ông Trấn Quốc Vượng yêu cầu "kiên quyết đấu tranh với những ý kiến không mang tính xây dựng, những quan điểm sai trái, thù địch, cản trở việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các nghị quyết".
Vẫn còn chạy chức, chạy quyền
"Công tác cán bộ của ta đổi mới còn chậm, có nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, vẫn có một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức. Đặc biệt, vấn đề kiểm soát quyền lực chúng ta vẫn chưa có cơ chế, nên vẫn có chạy chức, chạy quyền…"
Theo ông Chính, đất nước đang bước vào thời kỳ chuyển giao nên việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là rất cần thiết.
Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ thắng không kiêu, bại không nản, cán bộ phải tỉnh táo, có thái độ chính trị vững vàng.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
"Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc 'có lên, có xuống, có vào, có ra' trở thành bình thường trong công tác cán bộ", ông Phạm Minh Chính nói.
"Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử khi chưa có kết luận về tiêu chuẩn chính trị.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính
Cùng với đó là 2 trọng tâm: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương…Tập trung xây dựng đội ngũ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Và 5 đột phá: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền;thực hiện nhất quán chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không là người địa phương; cải cách chính sách tiền lương để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, cạnh tranh bình đẳng; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Theo: Tuổi Trẻ