Ngày 30.6, một ngày sau khi chính thức thông xe cầu vượt tại nút giao Mỹ Thủy, nhiều tài xế lưu thông qua cầu đã phản ánh dưới chân cầu (hướng từ quận 2 lưu thông về phía nút giao để đi về cầu Phú Mỹ) xuất hiện rãnh lún đoạn kéo dài khoảng 4 m, mặt đường có dấu hiệu bị trồi nhựa.
Có mặt tại hiện trường trưa 1.7, PV Thanh Niên ghi nhận đơn vị thi công đang tiến hành đổ đá, san lấp vết rãnh, lún. Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng ban quản lý dự án 1 — Khu quản lý dự án 2 (Khu 2), thuộc Sở GTVT TP.HCM lý giải việc xuất hiện các vết rãnh, lún trên do đây chỉ là kết cấu cầu tạm, chưa hoàn thiện, đang nằm trong kế hoạch thi công của Khu 2.
Cụ thể, trong quá trình thi công cầu vượt, tất cả lưu lượng xe từ quận 2, qua nút giao Mỹ Thủy về quận 7 đều lưu thông qua đường tạm. Đây có thể gọi là tuyến đường độc đạo để các phương tiện lưu thông về Cảng Cát Lái. Do chênh lệch cao độ lớn, nếu nâng đúng cao độ thiết kế thì đường dẫn đầu cầu sẽ chênh với đường tạm khoảng 1,5 m. Như vậy tất cả các loại xe sẽ không thể lưu thông được vào đường tạm, ảnh hưởng đến tổ chức giao thông.
Vì vậy, Khu 2 đã đề xuất với Sở GTVT phương án thông xe qua cầu vượt sau khi đã hoàn thành cơ bản công trình để đóng đường tạm, tiếp tục hoàn thiện cao độ đường đầu cầu. Theo đúng thiết kế, nếu hoàn thiện, kết cấu cầu sẽ bao gồm lớp đá dăm, 55 cm đá cấp phối, 15 cm đá gia cố và 15 cm bê tông nhựa (trong đó có 3 cm nhựa polime),đáp ứng lưu lượng lớn xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông qua khu vực này. Tuy nhiên, nếu làm đường dẫn cầu tạm đầy đủ các lớp như vậy sẽ rất lãng phí. Đoạn đường dẫn hiện nay chỉ có lớp đá cấp phối và tạm thời 7 cm nhựa để thông xe, đảm bảo an toàn cũng như vệ sinh môi trường.
"Việc cho xe lưu thông khi chưa đáp đủ cao độ theo thiết kế là điều bắt buộc vì phải đóng được đường tạm mới nâng được cao độ. Sở GTVT cũng đã chấp thuận phương án cho Khu 2 triển khai thi công lần lượt trên từng làn, nâng đường dẫn đầu cầu theo đúng thiết kế trong thời gian 1 tháng rưỡi kể từ sau ngày thông xe. Trong quá trình xe lưu thông qua kết cấu cầu tạm, đơn vị có cử người túc trực ngày đêm, xử lý ngay khi có sự cố để vừa đảm bảo lưu thông, vừa đảm bảo mục tiêu thi công" — ông Bắc cho biết.
Cũng có mặt tại hiện trường, ông Hà Ngọc Trường — Phó chủ tịch Hiệp hội Cầu đường, cảng TP.HCM nhận định đây không phải hiện tượng sut. lún do thi công mà đơn thuần chỉ là phương án thi công nhằm đảm bảo lưu thông qua công trình. Theo thiết kế, độ dốc của cầu không được vượt quá 4%, nhưng hiện độ dốc đoạn chân cầu đang ở khoảng 7%. Sau khi nâng theo đúng thiết kế, các phương tiện lưu thông qua cầu sẽ êm thuận hơn, không võng như kết cấu "vuốt" tạm hiện nay.
"Đúng ra, để đảm bảo không có các sự cố, nên hoàn thiện phần đường 2 đầu cầu theo đúng thiết kế rồi mới cho thông. Trong trường hợp bắt buộc do yêu cầu lưu thông, Khu 2 bên bố trí biển báo cho các phương tiện và đưa thông tin rõ ràng, chi tiết qua các phương tiện truyền thông ngay trong ngày thông xe để không dẫn đến các hiểu lầm không đáng có" — ông Trường lưu ý.
Cầu vượt nút giao Mỹ Thủy có chiều dài 316 mét, 4 làn xe với tổng mức đầu tư là 206 tỉ đồng, thuộc dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy. Cầu vượt hoàn thành tạo thành nút giao 3 tầng, được kỳ vọng sẽ giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông cho các trục đường chính ra vào cảng Cát Lái.
Nguồn: thanhnien