Trước thềm World Cup 2018, HLV Park Hang-seo từng nói với bóng đá Việt Nam:
"Liệu tất cả các bạn, bao gồm cả truyền thông, người hâm mộ và những người làm bóng đá, liệu đã có đủ mục tiêu giành vé tham dự World Cup? Liệu các bạn đã sẵn sàng để thực hiện mục tiêu ấy?"
"Nếu các bạn thực sự nghiêm túc với mục tiêu tham dự World Cup, các bạn phải bắt đầu quá trình chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bởi thành công ấy chỉ đến khi có sự chung tay của tất cả cộng đồng chứ không chỉ những người làm bóng đá", ông Park khẳng định.
Qua 21 lần tổ chức, FIFA World Cup luôn được xem là đỉnh cao của thế giới bóng đá. Cứ 4 năm một lần, hơn 200 đội tuyển quốc gia sẽ tranh tài trong một chiến dịch vòng loại kéo dài gần 3 năm để chọn ra 32 cái tên. Chỉ những nền bóng đá mạnh nhất, khát khao nhất mới giành được vé đến World Cup.
Khát khao ấy, bóng đá Việt Nam hiện không sở hữu. Bởi nếu chúng ta đủ khát khao, chúng ta phải hành động nhiều hơn cho mục tiêu ấy.
Ba đồng xu và nỗi ám ảnh của bóng đá Nhật Bản
Chàng trai 16 tuổi tin rằng thế hệ của mình sẽ trưởng thành, sẽ chiến đấu và giúp tuyển Nhật giành vé dự World Cup đầu tiên vào năm 2002.
Captain Tsubasa: World Youth xuất bản năm 1994. Không biết những nhà lãnh đạo của FIFA có biết tới bộ truyện lừng danh ấy không. Nhưng 2 năm sau lời ước hẹn của đội trưởng Tsubasa, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giành quyền đăng cai World Cup.
Phần còn lại — như ta vẫn thường nói, đã trở thành lịch sử. Nhật Bản lần đầu tiên dự Cúp thế giới ở France 98 trước khi thăng hoa tại World Cup 2002 ngay trên quê nhà.
I’m genuinely touched when they roll out Captain Tsubasa to cheer for #Japan…#JPNBEL #FifaWorldCup #worldcup #samuraiblue pic.twitter.com/i8nfHj2zrH
— Carmen Ng 吳嘉文 (@Carmen_NgKaMan) 2 июля 2018 г.
Hình ảnh về bộ truyện tranh lừng danh Captain Tsubasa, có một chi tiết kinh điển nói lên khát vọng của người Nhật với World Cup
Trong trường hợp này, khát vọng của bóng đá Nhật đã trở thành nỗi ám ảnh. Nó ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân, nó lan tỏa trong suy nghĩ của từng con người. World Cup với người Nhật không chỉ là câu chuyện riêng của những kẻ mộng mơ, nó hiển hiện thành hành động, nó tạo ra các biểu tượng, nó truyền cảm hứng và tạo nên một sức mạnh vô hình trong lòng dân tộc.
Như Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio đã nói: "Thời điểm ấy, việc tham dự World Cup là điều rất xa vời với bóng đá Nhật. Nhưng tôi nghĩ việc Nhật Bản dám đặt mục tiêu và nỗ lực thực hiện mục tiêu ấy là điều vô cùng quan trọng".
Bóng đá Nhật Bản từng "nhỏ bé" như bóng đá Việt Nam
Có liên quan. Vì 30 năm trước, xuất phát điểm của bóng đá Nhật Bản không hơn Việt Nam hiện tại là bao.
Sau nửa thế kỷ phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả của Thế Chiến thứ II, người Nhật mới "tỉnh giấc" và nhìn ra thế giới. Những người làm bóng đá Nhật Bản kinh ngạc nhận ra họ đã bị phần còn lại của châu Á bỏ cách quá xa.
Cho đến năm 1988, Nhật Bản mới lần đầu tiên tham dự Asian Cup. Đội tuyển U23 của họ đã vắng mặt trong 5 kỳ Olympic gần nhất. Bóng đá Nhật với thế giới vẫn là "những chú lùn" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Lần duy nhất Nhật Bản có mặt tại World Cup là ở giải… U20 thế giới 1979.
Nhưng chỉ sau 30 năm, người Nhật đã tạo nên cả một đế chế. Đội tuyển nam Nhật Bản góp mặt ở 6 kỳ World Cup liên tiếp, nữ Nhật Bản là đội tuyển châu Á đầu tiên vô địch thế giới (2011).
Còn bóng đá Việt Nam thì sao?
Giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam
"Chúng tôi kỳ vọng U19 Việt Nam sẽ thi đấu tốt ở giải châu Á để đoạt vé dự U20 World Cup 2015. Ngoài ra, với những cầu thủ tốt này, VFF và các nhà tài trợ sẽ đầu tư tối đa cho tham vọng góp mặt ở World Cup 2018".
Đó là nguyên văn phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bên lề giải U19 quốc tế hồi tháng 1/2014. Đương nhiên, tuyên bố của ông Dũng không trở thành hiện thực nên hôm nay, bóng đá Việt Nam mới ngồi đây, bàn chuyện bản quyền World Cup và tranh cãi về những hot-girl trên sóng truyền hình.
Người Nhật từng có một kế hoạch như vậy. Ngay lúc này, họ cũng đang thực hiện một kế hoạch khác: The JFA Pledge for 2050 — tổ chức World Cup thứ hai trên đất Nhật và trở thành nhà vô địch. Ai định bảo người Nhật viển vông? Hãy nhìn những gì đã diễn ra trong 30 năm qua, hãy nhìn những gì vừa diễn ra trên đất Nga.
Bóng đá Việt Nam thì sao?
"Chúng ta chưa từng có kế hoạch đưa đội tuyển tới World Cup. Chưa ai từng nghĩ tới chuyện đó".
Vấn đề không phải là bóng đá Việt Nam có đủ sức dự World Cup hay không. Vấn đề là chúng ta chưa từng có dũng khí nghĩ tới điều đó.
Nếu những người Nhật cũng nghĩ như thế hồi năm 1994, bóng đá Nhật Bản sẽ không bao giờ có mặt ở Cúp thế giới.
Thế giới nhìn về World Cup, bóng đá Việt nhìn về V.League
Bởi chúng ta không nuôi giấc mơ World Cup, nền bóng đá cũng không vận hành cho mục tiêu ấy.
Khi đội tuyển Pháp chơi loạt giao hữu cuối cùng trước khi tới Nga, 3 đối thủ được chọn là CH Ireland, Mỹ và Italy. Điểm chung của 3 đội tuyển này là họ đều không giành được quyền dự World Cup. Nhưng họ vẫn tham dự loạt trận giao hữu quốc tế tiền World Cup, vẫn đồng ý nhận lời làm "quân xanh" cho người Pháp. Vì sao?
Ngay bên cạnh chúng ta, một người hàng xóm cũng nghĩ như vậy. Tuyển Thái Lan — cũng dự AFF Cup và ASIAD như Việt Nam, sở hữu giải quốc nội dài 34 vòng so với 26 vòng của V.League, vẫn xách giày ra sân đá giao hữu với Trung Quốc hôm 2/6. Người Thái hiểu rằng cơ hội đối đầu với Trung Quốc — đang được dẫn dắt bởi Marcello Lippi huyền thoại, là dịp may không thể bỏ qua.
Khi cả thế giới tận dụng cơ hội ấy để tiến bộ hơn, bóng đá Việt Nam lại chọn cách đứng ngoài. Việt Nam là đội tuyển quốc gia hiếm hoi không tập trung suốt tháng 5 tới tháng 7.
Đây không phải là lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam thể hiện sự lạc lõng với thế giới.
Người Thái muốn các ngôi sao được ra nước ngoài, người Việt muốn kéo cầu thủ về đá "ao làng". Bóng đá Thái hướng tới Asian Cup và vòng loại World Cup, bóng đá Việt coi Đông Nam Á, HCV SEA Games là mục tiêu hàng đầu. Định nghĩa thành công của người Thái nằm ở châu lục, định nghĩa thành công của bóng đá Việt gói gọn ở vùng Đông Nam lục địa.
Những điều nghịch lý ấy đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Gần 3 thập kỷ hội nhập, bóng đá Việt Nam vẫn chỉ gói gọn trong 4 bức tường Đông Nam Á. Và điều đó dường như chưa hề thay đổi. Như thông báo của VFF hồi tháng 4 năm nay:
"Nhiệm vụ quan trọng nhất của đội tuyển quốc gia trong năm 2018 chính là AFF Cup".
Với bóng đá Việt Nam, World Cup vẫn là con đường mà chúng ta chưa từng dám đi.
Theo: Zing