Chuyến thăm này với những cuộc gặp tổ chức tại Hà Nội đã khẳng định tầm vóc khá cao của quan hệ Mỹ-Việt, — chuyên gia Dmitry Mosyakov đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu Đông phương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, nêu nhận xét. — Cả hai nước đều đã khắc phục thành công các di sản của cuộc chiến và thiết lập mối quan hệ bình thường, cùng có lợi. Nhưng trong chuyến thăm chưa thấy có những cam kết nào đó sẽ làm cấu trúc quan hệ giữa hai nước thay đổi về chất. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ có thể được mô tả như một thành tố truyền thống của chính sách đối ngoại Việt Nam nhằm duy trì thế cân bằng trong mối quan hệ tay ba Việt Nam-Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Mâu thuẫn gay gắt gần đây giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã một lần nữa phô trương sự vô vọng của con đường gây hấn hiếu chiến trong quan hệ giữa các quốc gia. Washington từ chối giải quyết vấn đề bằng vũ lực, tiến theo con đường đàm phán ngoại giao. Đường lối này, như ghi nhận trong quá trình chuyến thăm, đã được sự ủng hộ của ban lãnh đạo Việt Nam — đất nước là điển hình sinh động nhất về tính hiệu quả của phương pháp hòa bình trong việc giải quyết tình huống xung đột. Hoa Kỳ, mà vào giữa thế kỷ trước đã khơi lên cuộc chiến tranh khốc liệt tàn bạo đẫm máu ở Việt Nam, bây giờ lại trở thành một trong những đối tác thương mại-kinh tế lớn nhất của Hà Nội.
Theo kết quả năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đã vượt hơn 51 tỷ USD, tại Việt Nam đang triển khai thực hiện hơn 800 dự án đầu tư của Mỹ trị giá trên 10 tỷ USD. Nổi bật là tuyên bố của vị thượng khách Mỹ về niềm hy vọng của Hoa Kỳ, rằng trong tương lai, mối quan hệ tương hỗ của họ với Bắc Triều Tiên cũng sẽ đạt tầm mức cao như quan hệ đối tác hiện tại của Mỹ với Việt Nam. Và về niềm tin của Tổng thống Trump, là Bình Nhưỡng có thể lặp lại thành công con đường bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, như Hà Nội đã làm trước đó.
Tuy nhiên, con đường hướng tới gặp gỡ phải được thực hiện cùng nhau từ hai chiều. Việt Nam đã trải qua thành công phần đường phía mình. Nước cựu thù đang chuyển động theo hướng tiến tới và dường như cũng khá tích cực. Chẳng hạn, gần đây, lần đầu tiên Washington đã mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới "Pacific Frontier" dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Đã khởi động dự án Mỹ nhằm làm sạch sân bay Đà Nẵng khỏi vết tích chất độc dioxin còn đọng lại trong đất đai, là thứ hóa chất tử thần mà quân Mỹ đã sử dụng trong những năm chiến tranh xâm lược Việt Nam. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ thông báo với người đồng cấp Việt Nam, sắp tới sẽ bắt đầu dự án về thanh lọc đất sân bay tương tự tại Biên Hòa. Như ông Michael Pompeo nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc loại bỏ hậu quả chiến tranh.
Nhưng cùng lúc cộng đồng chuyên gia cũng ghi nhận những sự kiện khác. Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, GS-TSKH Vladimir Mazyrin đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, đã lưu ý đến mấy điểm sau đây:
Washington tuyên bố phấn đấu phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Hà Nội cũng chính vào lúc ban hành thuế nhập khẩu bảo hộ đối với thép cuộn từ Việt Nam. Kết quả là, như Hiệp hội Luyện kim Việt Nam VSA tuyên bố, sẽ dẫn tới tình trạng không dùng hết công suất và dư thừa các nhà máy luyện kim hiện có ở Việt Nam cũng như đẩy tăng thất nghiệp.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, GS-TSKH Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg nêu nhận xét:
Tất nhiên, các dự án Mỹ về giải độc dioxin cho đất đai ở Đà Nẵng và Biên Hòa là việc cần làm. Nhưng chỉ như vậy có đủ không? Sau chiến tranh, do ảnh hưởng từ chất độc mà quân đội Mỹ sử dụng, hàng chục ngàn người Việt Nam đã thiệt mạng, hàng ngàn trẻ em bị dị dạng khuyết tật thể chất bẩm sinh. Tôi cho rằng những công ty tham gia vào việc phát triển và sản xuất chất độc này, những chính trị gia và tướng lĩnh đã cho phép sử dụng chất độc, nhất định phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý và tài chính. Đây sẽ là bài học tốt trong tương lai cho những kẻ xâm lược tiềm năng.
Ngoài ra: đường lối của Hoa Kỳ về mở rộng quan hệ đối tác thân thiện với Việt Nam vẫn khiến nghi vấn khi trong nước hồi tháng Sáu diễn ra những cuộc biểu tình chống lại dự Luật đặc khu cho thuê đất dài hạn. Trong các cuộc biểu tình cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ những phần tử kích động xúi giục quần chúng, kể cả những đối tượng mặc trang phục công an. Trong đám này có không ít Việt kiều với quốc tịch Mỹ. Không thể không thấy nét tương đồng với những cuộc bạo loạn mà Hoa Kỳ tổ chức ở nhiều nước trên thế giới nhằm làm mất ổn định tình hình ở các quốc gia đó.
Theo nhãn quan của GS-TSKH Kolotov, nếu đánh giá không chỉ theo những lời tuyên bố mà cả theo việc làm, thì chính sách của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam mang tính hai mặt.