Chiều 10-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo nhằm tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xác đáng của cán bộ lão thành, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân để tiếp tục xây dựng các phương án phù hợp thực hiện chủ trương xây dựng các đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt theo Hiến pháp, các Nghị quyết của Đảng, luật pháp có liên quan, xin ý kiến rộng rãi các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân trước khi trình Quốc hội.
Trước đó, sáng 11-6, với 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,63% tổng số đại biểu), tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh lùi thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu).
Theo đó, có 432 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết trong sáng ngày 11-6 (chiếm 87,45% tổng số đại biểu Quốc hội); trong đó có 423 đại biểu tán thành (chiếm 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội), 8 đại biểu không tán thành (chiếm 1,62% tổng số đại biểu Quốc hội) và 1 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).
Dự án Luật Đặc khu trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2017); sau đó, đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Kết quả tổng hợp ý kiến các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 23-5 cũng như góp ý bằng văn bản về dự án luật cho thấy đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng dự thảo Luật Đặc khu đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
Tuy nhiên, đây là dự án luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau.
Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo Luật Đặc khu về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 (dự kiến khai mạc tháng 10-2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật Đặc khu và hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập các đặc khu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị về nguồn lực, điều kiện bảo đảm để khi luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua có thể thực hiện được ngay; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo luật.
Nguồn: nld