"Không ngại va chạm để giải quyết khiếu nại cho người dân"
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương — Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong buổi tiếp xúc với bà Lê Thị Hồng Phượng.
Như đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục khiếu nại đòi lại phần đất trên nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 12/7, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã trực tiếp có buổi làm việc với bà Phượng, nhân vật trong loạt bài "Dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất" mà Báo Dân trí phản ánh trong thời gian vừa qua.
Ông Điệp chia sẻ thêm:
"Chúng tôi thấu hiểu những bức xúc và thiệt thòi của gia đình trong hơn 40 năm qua. Đặc biệt, vừa qua chồng chị cũng đã qua đời mà không có nơi để chôn cất. Tôi xin chia sẻ những mất mát, đau thương, uất ức của gia đình. Hiện sự việc đang được TTCP phối hợp với các ban ngành liên quan gấp rút xử lý cho gia đình chị. Không phải bây giờ các cơ quan mới vào cuộc mà trước đây cũng đã có rất nhiều văn bản của Văn phòng Chính phủ về sự việc này. Tuy nhiên, việc chưa giải quyết dứt điểm sự việc càng khiến gia đình bức xúc hơn".
"Hôm nay, tôi có mặt tại đây để chia sẻ những bức xúc gia đình chị đã gặp phải hơn 40 năm qua. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, TTCP sẽ quyết liệt xử lý sự việc để giải quyết sự việc của chị trong thời gian sớm nhất", Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.
"Chúng tôi chịu đủ đắng cay, tủi nhục"
"Tôi chân thành cảm ơn đại diện TTCP đã quan tâm, động viên, chia sẻ với gia đình. Qua đó để chúng tôi có niềm tin vào hành trình tìm lại công lý. Tôi cũng nhiều lần nhận được sự động viên nhưng cuối cùng tôi vẫn là người bị thua thiệt. Nhà mất, đất mất, hai người thân yêu nhất của tôi nằm xuống mà không có tấc đất để thả cái quan tài trong khi người lấy đất của tôi thì ngày càng giàu có, sung túc và sống hiên ngang trên phần đất mà gia đình tôi đổ mồ hôi nước mắt mới tạo dựng được. Thử hỏi, ở hoàn cảnh như tôi còn có nỗi đau nào hơn? 40 năm qua, chúng tôi chịu đủ đắng cay, tủi nhục", bà Phượng nói trong uất nghẹn.
"Năm nay tôi đã 64 tuổi, tôi đã dành hơn 40 năm thanh xuân của mình để chờ đợi công lý thực thi. Tôi muốn hỏi TTCP và các cơ quan chức năng, tôi phải chờ đợi đến bao giờ nữa? Tôi phải chờ đợi 10 năm, 20 năm hay tôi lại phải ôm mối uất ức này đến khi chết? và khi tôi nằm xuống liệu có được một nơi đàng hoàng?".
"Hơn 16.000m2 đất gia đình tôi bỏ mồ hôi và xương máu ra để gầy dựng lên vậy mà người khác ngang nhiên đến chiếm. Họ chia cho con cháu rồi cho thuê thu nhập hàng chục, hàng trăm tỉ mỗi năm. Ngược lại, gia đình tôi bị đuổi ra đường, giờ đi ở nhờ, ở mướn, người ta vui người ta cho mình ở, người ta buồn người ta đuổi đi. Tôi thử hỏi, nếu các vị ở hoàn cảnh của tôi các vị có chua xót không?", bà Phượng đặt vấn đề.
Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TP.HCM giải quyết thấu đáo. Cụ thể: Văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP — KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.
Chia sẻ với với PV, bà Phượng tâm sự:
"Tôi cảm ơn Báo Dân trí đã thông tin sự việc của tôi lên công chúng. Tôi đọc từng chữ trên báo là từng giọt nước mắt chảy xuống vì uất ức và xúc động vì tác giả bài báo đã hiểu được tâm tư, nỗi lòng của tôi và gia đình. Tuy vậy, những uất ức hơn 40 năm qua tôi phải chịu nó còn cay đắng hơn gấp trăm, gấp ngàn lần như vậy".
Theo: Dân trí