Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm cụm từ "三沙市" (Tam Sa) trên Facebook và chọn"place"địa điểm"), Facebook hiển thị địa danh mang tên "Sansha" (khi chọn giao diện tiếng Anh) và "Tam Sa" khi người dùng chọn tiếng Việt. Ở bản đồ nhỏ bên phải, Facebook vẫn định vị Sansha vào vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó, Sansha (Tam Sa) được Facebook xếp vào mục "Thắng cảnh & Địa điểm lịch sử". Kèm theo đó là nhiều hình ảnh, đánh giá, bình luận của người dùng.
Đại diện truyền thông của mạng xã hội này cho biết đã tiếp nhận và sớm có câu trả lời từ phòng pháp lý của Facebook.
Trước đó, Facebook bị phát hiện dùng hai bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền. Bản đồ chọn vùng quảng cáo của Facebook đưa Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ livestream của Facebook cũng gọi Trường Sa, Hoàng Sa là Sansha (Tam Sa).
Facebook đã khắc phục và giải thích rằng đó là "lỗi kỹ thuật", nhưng không đưa ra lời xin lỗi. Sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ dư luận, vào chiều 5/7, Facebook đã phát thông cáo xin lỗi người dùng về bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Công ty du lịch bị phạt vì "áo lưỡi bò", Facebook tại sao không?
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM, trường hợp Facebook không phải lần đầu một công ty sử dụng bản đồ sai lệch về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, trước đây từng có công ty du lịch cho khách Trung Quốc mặc áo có hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò.
"Công ty nước ngoài hay trong nước đều phải tuân thủ luật của nước sở tại. Cơ quan chức năng cần xem xét về vi phạm này, đối chiếu với luật để xử lý sai phạm gây ảnh hưởng hình ảnh quốc gia", thạc sĩ Hoàng Việt nói.
Tiến sĩ Sarah Logan, chuyên gia về an ninh mạng thuộc Đại học New South Wales cho rằng các đại gia công nghệ có thể bị phạt vì nhiều lý do, không hẳn liên quan đến an ninh hay lợi ích quốc gia.
Bà Sarah Logan đưa ra ví dụ về những lần hầu toà của Facebook tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung khi vi phạm "quyền bị lãng quên", đạo luật GDPR (quyền riêng tư dữ liệu).
Chính phủ Đức cũng đề ra một điều luật có hiệu lực từ 10/2017 để có căn cứ xử phạt Facebook hay bất cứ công ty công nghệ nào cố ý làm trái luật, gây ảnh hưởng đến người dùng và an ninh quốc gia.
Gần nhất, vào ngày 10/7, Anh đã phạt Facebook 500.000 bảng vì vụ bê bối dữ liệu người dùng liên quan đến công ty Cambridge Analytica. Trong khi đó, Mỹ đang cân nhắc để xác định số tiền phạt (được đồn đoán là vô cùng lớn) áp lên công ty của Mark Zuckerberg.
Facebook còn chịu trách nhiệm vụ lộ dữ liệu
"Cơ quan chức năng có thể yêu cầu Facebook trả lời về vụ việc Cambridge Analytics và các biện pháp, cách thức xử lý vấn đề lộ thông tin người dùng Facebook ở Việt Nam cũng như các cam kết của họ về việc bảo vệ quyền riêng tư người dùng Việt Nam", ông Đào Trung Thành, chuyên gia an ninh mạng và là CTO của Media Ventures Vietnam Groups, chia sẻ.
"Tôi nghĩ chúng ta nên nâng cao nhận thức của người dùng mạng xã hội, Facebook về quyền riêng tư của mình, yêu cầu các nhà cung cấp mạng xã hội như Facebook, Google nghiêm chỉnh hơn nữa trong việc chấp hành pháp luật tại Việt Nam", ông Thành cho biết.
Chuyên gia này cũng dẫn điều 26, khoản 2, mục A về "Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng" của Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, "Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải: Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng".
Theo: Zing