Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở diễn ra vào sáng 16/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Bầu không khí dân chủ trong Đảng rộng mở hơn
Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước.
Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hoà giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đạt nhiều kết quả, một số nơi đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội ở cấp huyện và cơ sở.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả…
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém như: công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về Quy chế dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; việc công khai các nội dung liên quan ở nhiều địa phương, cơ sở chưa đầy đủ, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin.
"Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hoá những quyết định, ý chí chủ quan của mình. Một số người có chức có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng" — Tổng Bí thư nói.
Ở phía ngược lại, cũng vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật;…
Chống quan liêu, cửa quyền, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân
Tổng Bí thư lưu ý, nơi nào đã làm tốt rồi thì cần duy trì và làm tốt hơn; nơi nào làm chưa tốt hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thì phải đôn đốc, chấn chỉnh, giúp đỡ để thực hiện tốt dần lên. Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế — xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hoá, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.
Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Tổng Bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Các cơ quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tự nguyện thực hiện các chính sách, quy định đề ra. Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng rồi mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, hoặc biết chờ đợi dân, không gò ép áp đặt một cách thô bạo.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp. Ở đâu cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình, thì ở đó việc thực hiện Quy chế dân chủ có nền nếp, thực chất và chuyển biến toàn diện, rộng khắp đến từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo: Dân Trí