Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam chú trọng và đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng chống tệ nạn mua bán người. Trong đó, có việc ban hành các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống mua bán người, Nghị định số 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ.
Bộ luật Hình sự đã có các quy định về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Luật Phòng chống mua bán người giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nội dung lồng ghép phòng ngừa mua bán người vào Chương trình phòng chống tội phạm Phòng chống tệ nạn xã hội; đào tạo nghề giải quyết việc làm giảm nghèo, bình đẳng giới; bảo vệ trẻ em; Chương trình Vì sự tiến bộ của phụ nữ và các chương trình khác về phát triển kinh tế — xã hội để giải quyết một cách có hiệu quả tệ nạn mua bán người.
Việt Nam đã gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia từ ngày 8-6-2012; Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng trị việc buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em từ ngày 29-12-2011 và Công ước số 29 của Tổ chức lao động quốc tế về chống lao động cưỡng bức.
Từ ngày 5-3-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020, hướng tới mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tính từ năm 2011 đến năm 2015, VKSND các cấp đã truy tố 934 vụ về tội mua bán người, tội mua bán đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Từ năm 2011 đến năm 2016, TAND các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 1.193 vụ và đã xét xử 1.130 vụ đối với tội phạm mua bán người. Công tác tuyên truyền phổ biến về phòng chống mua bán người đã được thực hiện với nhiều hình thức biện pháp phong phú đa dạng.
Trong giai đoạn 2011 — 2015, các địa phương đã tổ chức gần 250.000 cuộc tuyên truyền cho cộng đồng cho trên 15 triệu lượt người tham dự; cấp phát trên 15.000 cuốn tài liệu các loại; thực hiện gần 150 chuyên đề chuyên mục và phim phóng sự liên quan đến công tác này.
Năm 2016 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày toàn dân phòng chống mua bán người, nhằm tăng cường các hoạt động phòng chống mua bán người.
Nạn nhân bị mua bán tùy theo nhu cầu nguyện vọng được tiếp nhận và lưu trú tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tại Việt Nam có trên 400 trung tâm bảo trợ lao động xã hội trong ngành lao động — thương binh & xã hội quản lý và 3 trung tâm cơ sở hỗ trợ nạn nhân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cùng với các tổ chức quốc tế thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Trong giai đoạn 2011-2015, có 2213 nạn nhân bị mua bán đã được hỗ trợ trở về hòa nhập cộng đồng, chiếm tỷ lệ 58%. Trong đó, có 2173 nạn nhân là nữ giới, chiếm 98,2%; độ tuổi dưới 16 chiếm 9%; số nạn nhân được trao trả song phương chiếm 51%; được giải cứu chiếm 21%; tự trở về chiếm 28%.
Bên cạnh đó, các nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.
Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn như mô hình Nhóm tự lực, mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng chống mại dâm; phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS.
Việt Nam cũng đã triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn tổng điều tra khám phá tội phạm mua bán người như tổ chức 130 khóa tập huấn liên ngành theo chuyên đề cho gần 6.000 cán bộ liên quan; tổ chức hơn 100 lớp tập huấn cho gần 3.000 lượt cán bộ, bộ đội biên phòng, cán bộ kiêm nhiệm làm nhiệm vụ đấu tranh phòng chống mua bán người tiếp nhận nạn nhân…
Nguồn: phapluatxahoi