Bên lề Diễn đàn cấp cao và triển lãm công nghiệp thông minh 4.0 năm 2018 tổ chức tại Hà Nội, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast đã chia sẻ về những bước đi của VinFast trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Xin ông cho biết dự án VinFast đang ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như thế nào?
Vingroup chọn đi đường thẳng chứ không đi vòng nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Do vậy, ngay từ đầu, chúng tôi đã đặt ra bài toán đầu tư sản xuất quy mô lớn, xây dựng mới các nhà máy với các công nghệ hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ 4.0, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tại, chúng tôi đã chọn các công ty hàng đầu từ châu Âu, chủ yếu là CHLB Đức làm đối tác chính trong việc thiết kế và chế tạo các dây chuyền sản xuất cho hai dòng xe Sedan và SUV. Họ sẽ cung cấp cho chúng tôi hệ thống thu nhập và quản lý dữ liệu, hệ thống hoạch định doanh nghiệp, hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm, hệ thống điều hành sản xuất cũng như thiết kế và lắp đặt 5 nhà máy: Dập, Hàn thân xe, Sơn xe, Sản xuất động cơ và Lắp ráp — Hoàn thiện xe.
Đầu tư cho công nghệ 4.0 sẽ phải tốn rất nhiều tiền và có đội ngũ nhân sự chất lượng cao đủ khả năng vận hành. Vingroup sẽ giải bài toán này như thế nào, thưa ông?
Đối với nguồn nhân lực, bên cạnh các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước hiện có, Vingroup đã chủ động thành lập Trung tâm đào tạo VinFast với 2 ngành học chính là Cơ khí Công nghiệp và Cơ-điện tử. Trung tâm đào tạo không chỉ là cái nôi khởi đầu cho các kỹ thuật viên có tay nghề cao, mà sẽ hướng tới trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất theo công nghiệp 4.0 lớn nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, để đánh giá việc ứng dụng công nghệ 4.0 thành công hay không, cốt lõi vẫn phải là làm chủ được công nghệ. Chiến lược của VinFast như thế nào trong việc này?
Mô hình tuyển dụng nhân sự của VinFast cũng có chiến lược rõ ràng. Bên cạnh những người mới, chúng tôi có đội ngũ nòng cốt là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư người Việt trau dồi kỹ năng, làm chủ công nghệ trong tương lai.
Trong tương lai, các chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu và trường Đại học VinUni (thuộc hệ sinh thái Vingroup) cũng sẽ cung cấp các đề án nghiên cứu để VinFast ứng dụng vào thực tế.
Với chiến lược này, tôi tin đội ngũ các kỹ sư người Việt tại VinFast có thể làm chủ công nghệ 4.0 trong việc vận hành nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện.
Nhìn rộng hơn, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ được lợi gì từ những bước đi của VinFast trong việc ứng dụng thành tựu cách mạng 4.0?
Trong ngày 12 — 13/7/2018, VinFast đã tham gia triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 và thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng. Tại đây, VinFast đã giới thiệu công nghệ sản xuất của 5 nhà máy: Dập, Hàn thân xe, Sơn xe, Sản xuất động cơ và Lắp ráp — Hoàn thiện xe, được thiết kế và lắp đặt bởi các đối tác hàng đầu đến từ CHLB Đức.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất ô tô VinFast nhắm mục tiêu trở thành tổ hợp sản xuất hiện đại hàng đầu khu vực, cho ra đời các dòng xe an toàn, tin cậy, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo: Nhịp sống kinh tế