Sputnik Italia đã đàm đạo với chuyên gia khoa học chính trị Tiberio Graziani, Chủ tịch Trung tâm phân tích Vision & Global Trends.
Sputnik: "Đây là khởi đầu của một con đường dài mới mẻ", — các Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp báo sau hội đàm. Ông có cho rằng cuộc gặp ở Helsinki mang tính chất xây dựng và là tín hiệu về cuộc tái khởi động mới trong quan hệ Nga-Mỹ?
— Đúng, đây là sự khởi đầu của mối quan hệ mới giữa LB Nga và Hoa Kỳ. Cuộc gặp mang lại cơ hội để cả Putin và Trump đều trở về nước với tư cách người chiến thắng. Trước ngưỡng của cuộc bầu cử vào tháng 11 Trump cần dung hòa từ bên trong những cuộc vận động hành lang và giới tài chính, vốn từ ngày đầu tiên đã ngăn cản chủ nhân Nhà Trắng xích gần nước Nga. Cuộc gặp là một thành công lớn đối với Trump. Đây cũng là thành công đối với Putin, nhân vật mà sau hội nghị thượng đỉnh này đã trở thành người đối thoại chính không thể bác bỏ của Trump.
Sputnik: Khi trả lời một câu hỏi của nhà báo, Trump đã làm rõ rằng Putin là một "đối thủ xứng đáng", bằng nhận xét đó đưa ra lời khen ngợi dành cho Tổng thống Nga. Ông có nghĩ rằng cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí khá thân thiện?
— Cuộc gặp quả thực đã diễn ra trong bầu không khí rất thân thiện. Chúng ta không còn có thể nói về đối đầu giữa Hoa Kỳ và Nga, như người ta đã nói dưới thời Bill Clinton, George Bush và Barack Obama.
Hôm nay, vị Tổng thống đầy thực dụng của nước Mỹ đã hiểu ra rằng nếu đất nước ông muốn đóng vai trò dẫn dắt ở cấp độ toàn cầu, thì cần phải thích nghi với thực tế mới. Từ nhãn quan địa chính trị, hiển nhiên một trong những thành tố của thực tại mới là LB Nga, quốc gia lớn hơn cả trên hành tinh.
Rõ ràng, hành tinh của chúng ta cần đến quan hệ tương hỗ hữu nghị giữa hai nước, ngay cả khi họ vẫn là đối thủ. Thái độ thân thiện của các lãnh đạo hai nước đối với nhau trong cuộc gặp ở Helsinki sẽ tác động đến lập trường của những quốc gia riêng biệt, mà tôi hy vọng là họ cũng sẽ hiểu rằng lịch sử đang đổi thay và cố gắng tìm thấy sự cân bằng chính trị.
Sputnik: Bất kể những bất đồng không đổi giữa hai nhà lãnh đạo, ví dụ, trong các vấn đề về Iran và Crưm, liệu ta có thể xem yêu cầu về sự cần thiết đối thoại và hợp tác giữa hai nước vì hòa bình thế giới là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc gặp này?
— Vấn đề về hợp tác đã nổi trội hơn. Đã rõ là những bước đi lịch sử đầu tiên hướng tới hợp tác do Liên Xô thực hiện, và sau đó là Liên bang Nga. Đây là nguyên tắc ngoại giao, nguyên tắc xây dựng các mối quan hệ quốc tế mà điện Kremlin đã áp dụng trong suốt hơn 70 năm qua. Và đó là điểm ưu việt của Nga.
Sau Clinton, Bush và Obama, có vẻ như lần đầu tiên câu hỏi về hợp tác được một nhân vật thực dụng như Trump đưa ra. Đó là nét mới và theo quan điểm của tôi, là thực tế cực kỳ quan trọng. Tất cả các vấn đề chưa tháo gỡ có thể được giải quyết ổn thoả nếu cách tiếp cận mới trong quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ được cả Washington và điện Kremlin tuân thủ. Cần chăm chú theo dõi xem bây giờ có những áp lực gì đang nhắm vào vị Tổng thống tại Hoa Kỳ.
Điều quan trọng là để quan hệ tương lai giữa Matxcơva và Brussels sẽ không bị tổn hại bởi những nỗ lực của ban lãnh đạo Trump nhằm kìm hãm sự phát triển hoặc thậm chí là hủy hoại hoàn toàn.
Sputnik: Vậy châu Âu sẽ đóng vai trò nào sau hội nghị thượng đỉnh Helsinki, nếu tính đến khả năng quan hệ mới giữa Hoa Kỳ và Nga?
— Tôi cho rằng nước Nga cần đến một châu Âu hùng mạnh. Sự thống nhất địa chính trị Á-Âu có thể trở thành nền tảng cơ sở để khôi phục trật tự thế giới mới, và ở đây cần châu Âu. Nếu không, Nga và Hoa Kỳ sẽ quyết định vận mệnh tương lai của các dân tộc châu Âu. Là một người châu Âu, tôi không thích viễn cảnh như vậy.