Chất lượng học sinh thấp hay chất lượng giáo dục đi xuống?
Với kết quả thi THPT Quốc gia năm nay nhiều người cho rằng không bất ngờ, thậm chí cục trưởng Cục Quản lý chất lượng còn cho rằng kết quả này đã đạt mục đích yêu cầu đề ra của bộ và nó đánh giá kỳ thi nghiêm túc, minh bạch.
Cá nhân tôi nhìn ở góc độ hiệu quả giáo dục thì cho rằng, chất lượng giáo dục chúng ta đang đi xuống và xã hội đang hết sức lo ngại cho chất lượng giáo dục hiện nay. Điều đó có thể thấy rõ qua kết quả từng môn thi.
Phổ điểm thi quá thấp là đánh giá chung cho kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Trong tổng số 63 tỉnh thành thì chỉ có 28 tỉnh thành có điểm trung bình các môn thi trên 5 điểm, chiếm chưa tới 50 % tổng số tỉnh có điểm bình quân thi tốt nghiệp trên 5.
Cụ thể, môn Địa điểm trung bình là 5,46 và có 31,64 % thí sinh có điểm thi dưới trung bình. Môn Ngữ văn điểm trung bình 5,45 số thí sinh dưới 5 điểm 291.277 em chiếm 32,3% tổng số học sinh dự thi và không em nào đạt điểm 10.
Môn Vật lý điểm trung bình 4,97 và hơn 48% thí sinh có điểm dưới trung bình. Môn Toán điểm trung bình 4,86 có tới 454.345 em chiếm 49,52 % tổng số thí sinh dự thi dưới 5 điểm và chỉ có 2 học sinh đạt điểm 10.
Môn tiếng Anh và môn Lịch sử là hai môn mà tỷ lệ học sinh dưới điểm trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, môn tiếng Anh có điểm trung bình 3,91 và có tới 78,22 % thí sinh dưới điểm trung bình, môn Sử điểm trung bình là 3,79 và có tới 83,246% thí sinh có điểm dưới trung bình.
Điều bất ngờ đó là môn Giáo dục công dân có điểm trung bình 7,13 và chỉ có 4,93 thí sinh có điểm dưới trung bình. Việc bộ đưa môn này vào kỳ thi tốt nghiệp phải chăng là cứu cánh cho các học sinh?
Rõ ràng với điểm trung bình quá thấp và tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ cao chúng ta phải đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục của nước nhà hiện nay.
Trong khi chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục phát triển toàn diện, cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập nền kinh tế thế giới.
Bộ GD-ĐT sẻ trả lời với phụ huynh và xã hội như thế nào khi chúng ta đã xây dựng đề án ngoại ngữ 2020 cách đây 10 năm và tiêu tốn ngân sách quốc gia hàng nghìn tỷ đồng mà có đến gần 80% thí sinh có điểm môn ngoại ngữ dưới 5.
Với khả năng tiếng Anh của các em như vậy đất nước chúng ta sẽ hội nhập nền kinh tế toàn cầu như thế nào khi ngoại ngữ là công cụ và chìa khóa để mở cánh cửa đó. Và bộ sẻ trả lời với lịch sử của dân tộc thế nào?
Năm ngoái thí sinh có điểm dưới trung bình chỉ 61,9% thì năm nay tăng đột biến lên tới 83,95%. Điều đó cho thấy trong suốt những năm qua, chương trình môn Sử có vấn đề.
Nhiều người cho rằng điểm thi môn Sử thấp vì học sinh không quan tâm, vì nó không nằm trong môn xét điểm đại học cho các khối ngành kinh tế những ngành hot hiện nay. Tuy nhiên, lý giải vậy không hợp lý vì môn giáo dục công dân lại có tỷ lệ thí sinh điểm trên 7 chiếm tỷ lệ cao.
Theo tôi, có 2 nguyên nhân khiến điểm thi môn Sử thấp đó là: Học sinh chán ghét môn Sử và phương pháp dạy Sử thất bại. Bản thân môn Sử không có lỗi.
Các đề thi còn mang nặng tính định hướng và áp đặt và thiên nhiều về ghi nhớ và học thuộc thay vì phát huy khả năng phân tích, tranh luận và sáng tạo. Nền giáo dục chú trọng đến khoa cử kéo theo hệ lụy học chỉ đối phó cho kỳ thi thay vì để phát triển các kỹ năng và năng lực của người học.
Dù thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã nỗ lực cải cách vấn đề thi cử nhưng lại chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn và còn ôm đồm trong việc định hướng phân bổ nguồn nhân lực cho xã hội. Thi cử không chỉ phục vụ cho thi đại học mà cần phải phân bổ cho giáo dục nghề nghiệp.
Đại học có phải là con đường cuối cùng
Những học sinh học lên đại học sau khi ra trường sẽ trở thành chuyên gia hoặc nhà nghiên cứu nhưng chỉ chiếm 30 — 40 %. Những quốc gia này không coi trọng bằng cấp mà đánh giá năng lực qua kỹ năng thực tế của cá nhân.
Vì vậy, các quốc gia này không có trào lưu đổ xô vào đại học. Bên cạnh đó lương ở đây được trả theo trình độ tay nghề và hiệu quả công việc chứ không theo bằng cấp.
Định kiến nho giáo học để làm quan
Suốt một thời gian dài, nền giáo dục nước ta vẫn duy trì một nền giáo dục dựa vào khoa cử để chọn hiền tài mà không chú trọng tới đội ngũ lao động có tay nghề. Việc này dẫn tới hệ lụy tất yếu đưa chúng ta rơi vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Quan niệm ấu trĩ rằng "một người làm quan cả họ được nhờ" chứ không quan tâm đến theo đuổi đam mê và phát triển năng lực riêng của các nhân khiến nhà nhà, người người đổ xô vào đại học, cố học cao để làm quan.
Nhiều bậc phụ huynh dù biết rằng con mình không thích và không có khả năng học văn hóa vẫn ép học. Để rồi sau 4 năm học đại học ra trường, chúng lại thất nghiệp và quay lại làm công nhân. Trong khi đó bạn bè chỉ học nghề 2 năm đã có thể ra tự kiếm sống nhiều người đã có thể tự lập nên doanh nghiệp riêng với tay nghề của mình.
Bộ GD-ĐT không nên coi trọng môn học nào và cũng không xem nhẹ môn học nào, không coi trọng nghề nào hay xem nhẹ nghề nào đó mới chính là một nền giáo dục toàn diện.
Chừng nào chúng ta còn duy trì một nền giáo dục dựa vào thi cử thay vì phát triển khả năng riêng của mỗi đứa trẻ, chừng đó nền giáo dục chúng ta còn ở sau rất xa với các nền giáo dục tiến bộ khác.
Tác giả Sóng Hiền
Theo: VTC