Rất nhiều thứ lỗi khó hiểu trong vụ sửa điểm vô tiền khoáng hậu này, có thể đã "vô tình" làm hại một số lãnh đạo.
Đầu tiên, lỗi lớn nhất là tại… cư dân mạng.
Kỳ thi vừa được người có trách nhiệm đánh giá là "tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công".
Trước đó, một người có trách nhiệm khác của ngành giáo dục, cũng đã kết luận:
"Đặc biệt, kết quả của kỳ thi vẫn đảm bảo độ tin cậy để các trường yên tâm sử dụng tuyển sinh".
Lỗi thứ hai thuộc về mấy học sinh ở Hà Giang. Các em là người đầu tiên phát hiện và than vãn về việc bạn học của mình có điểm số khủng trong một kỳ thi mà ngay cả GS toán học cũng không thể giải hết đề trong 90 phút.
Sự than vãn đó hóa ra đã vô tình "làm hại" uy ín của nhiều tiến sĩ, của lực lượng hùng hậu các chuyên gia về khảo thí và chất lượng của ngành giáo dục.
Vì có người đặt câu hỏi rằng: Tại sao, nhiều TS với bằng cấp long lanh như vậy, mà không phát hiện ra những bất thường của vụ Hà Giang, lại để mấy học sinh non nớt tung nghi vấn đó lên mạng xã hội?
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Hà Giang đã "rất buồn" khi bài thi của con gái ông bị tự ý sửa. Ông bảo "không hề biết, không hề chỉ đạo sửa điểm". Nếu những lời này là thật, thì những kẻ "tự ý nâng đỡ không trong sáng" con gái ông, thật đáng trách. Họ đã "vô tình" làm hại ông.
Còn nhớ, năm 2017, sau khi dư luận ồn ã chuyện cả họ làm quan, ông Nguyễn Hữu Tuấn, quyền Chánh thanh tra Bộ Nội vụ đã nêu ra trường hợp của bà Phạm Thị Hà, PGĐ Sở NN&PTNT (vợ ông Triệu Tài Vinh) được bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện.
Chính sự "cố tình trình" này (theo ông Vinh nói là đi ngược lại nguyện vọng của bà Hà) đã khiến ông Vinh mang tiếng.
Sự cố điểm thi năm nay ở Hà Giang chưa có những kết luận cuối cùng, nhưng đã có thể thấy não trạng của ông Vũ Trọng Lương có vấn đề, cố tình làm cái việc mà người ta không muốn và thấy rất buồn.
Cái lỗi thứ 3, có lẽ thuộc về việc vận dụng "tư duy 4.0 trong giáo dục". Công nghệ đã phát huy hiệu quả khi phục vụ các kỳ thi, không ai phủ nhận điều đó.
Nhưng việc ông Vũ Trọng Lương được thoải mái rút bài thi đã niêm phong và dùng công nghệ để sửa điểm mỗi bài chỉ trong 6 giây, lại khiến chúng ta giật mình.
TS Lương Hoài Nam, một "kẻ trăn trở" nhiều về giáo dục nước nhà than rằng: Ông đã gửi biết bao tâm thư, đề án về giáo dục cho lãnh đạo ngành, nhưng không hề nhận được hồi âm nào. Thứ ông nhận được chỉ là sự im lặng tuyệt đối.
Sự im lặng ấy, khác hẳn với tốc độ 6 giây của ông Lương và hoàn toàn không giống với tư duy thời 4.0: tương tác, đa chiều, nhanh nhạy. Nó giống tư duy 0.4 hơn.
Nhưng bạn đọc, đừng chỉ nhìn vào mặt tối, sự kiện Hà Giang còn phát đi những vấn đề rất mở: Những cú sửa điểm 6 giây cho thấy, khả năng vận hành công nghệ của một số cán bộ giáo dục là không tồi. Nếu khả năng ấy được vận hành theo chiều tích cực, hẳn nhiên, nó sẽ xoa dịu được những cái đầu nóng và độ nóng của vài chiếc ghế.
Biết đâu, một ngày nào đó, khi gửi tiếp tâm thư lần thứ 6, TS Lương Hoài Nam sẽ nhận được phản hồi của ai đó sau 6 ngày, hoặc chí ít là 6 tháng, chứ không phải 6 năm…
Nhà báo Bùi Ngọc Hải
Theo: Trí Thức Trẻ