Không ít lần đọc báo Việt Nam về bệnh nhân hoặc người bị hại, tôi thấy họ ghi rõ các thông tin cá nhân người bệnh, hình ảnh gương mặt, và thậm chí hình chụp bệnh nhân không mặc đồ trong phòng cấp cứu hiện rõ những phần nhạy cảm. Những lần đó tôi viết thư góp ý, họ thay đổi, và lần sau lại tái phạm tiếp.
Trong chuyện trao nhầm 2 em bé 6 tuổi tại Ba Vì, Hà Nội, các thông tin hình ảnh cá nhân và gia đình hai em này được viết rõ ràng, chụp công khai trên internet. Có ai nghĩ đến những cảm xúc của gia đình hai em không? Có nghĩ đến tâm lý hai bé, tâm lý của hai bà mẹ, và tâm lý gia đình hai bên không?
Cả hai em đều bị shock. Các em cần sự riêng tư để từ từ ổn định tâm lý. Cho dù giải pháp hai gia đình cùng nhau nuôi dưỡng các em được xem là một giải pháp ổn thoả nhất thì những thông tin cá nhân, quay hình cận cảnh về các em cũng không nên để lọt ra ngoài hoặc đăng báo.
Hai câu chuyện trên cho thấy có lẽ truyền thông y khoa thế giới hoạt động chuyên nghiệp hơn so với truyền thông y khoa Việt Nam.
Như bất kỳ nghề nào khác, truyền thông y khoa ngày càng cho thấy tầm quan trọng của mình và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, đa số các báo lớn trên thế giới đều có chuyên viên sức khoẻ hoặc BS để tư vấn trước khi in/đăng bài về sức khoẻ, nhằm bảo vệ quyền lợi bệnh nhân tối đa.
Association of Medical Media (Hiệp hội truyền thông y tế) tại Mỹ sẽ giúp các phóng viên trong các bài viết về sức khoẻ và bảo vệ họ nếu có sự cố xảy ra.
Tôi đã thấy không ít bác sĩ tại Việt Nam khi lên facebook hoặc livestream thường để lộ thông tin hoặc hình ảnh bệnh nhân một cách lộ liễu, dù họ có thể đã có sự đồng ý của bệnh nhân. Cách đây vài tháng có vị bác sĩ thẩm mỹ khá nổi tiếng tại Sài Gòn đăng video tặng tiền lì xì cho bệnh nhân sau khi mổ nâng ngực. Gương mặt các bệnh nhân này và phần ngực được trình chiếu rõ ràng.
Một bác sĩ khác cũng livestream hình ảnh nâng mũi sau khi phẫu thuật để quảng cáo hình ảnh và khả năng phẫu thuật tạo hình của mình nhưng anh quên rằng một số thông tin nhạy cảm về bệnh nhân đã bị lộ.
Năm 2011, các bệnh viện thuộc Hệ thống sức khỏe UCLA đã phải trả phạt gần 900.000 USD vì đã để lộ thông tin cá nhân của nhiều ngôi sao nổi tiếng, trong đó, riêng khoản tiền phải trả cho Michael Jackson đã là 95.000 USD.
Báo chí cũng phát hiện trước đó, một số nhân viên trong hệ thống y tế UCLA này đã "tọc mạch" hồ sơ y tế cá nhân của Britney Spears, Tom Cruise và Maria Shriver (2), cho thấy đây là một nếp hành xử có chủ ý chứ không phải là "tai nạn nghề nghiệp".
Hiện nay, các thông tin cá nhân của bệnh nhân trên báo chí tại Mỹ càng ngày càng được kiểm soát chặt chẽ.
Rõ ràng, truyền thông y khoa là nhịp cầu quan trọng cung cấp thông tin sức khoẻ cho người đọc. Nếu không cẩn thận, truyền thông y khoa kém cỏi sẽ khiến bệnh nhân và cả bác sĩ "lãnh đủ".
Nguồn tham khảo:
1. https://www.ama-assn.org/ama-adopts-guidance-ethical-physician-conduct-media
2. https://www.fiercehealthcare.com/it/ucla-health-system-pays-865g-to-settle-hipaa-violation-charges
Theo: Trí Thức trẻ