Tháng 8/2007, ông Nguyễn Thế Thảo từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh được Trung ương điều động về làm Hà Nội làm Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trải qua 9 năm (từ 2007-2016) giữ cương vị là người đứng đầu UBND TP Hà Nội, ông Thảo cảm nhận được khó khăn, vất vả mà cán bộ, công chức Thủ đô phải vượt qua trong giai đoạn đầu mở rộng địa giới hành chính.
Việc đầu tiên ông Thảo nhắc đến là công tác tổ chức cán bộ của Thủ đô sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây với Hà Nội. Thời điểm đó Hà Nội có hơn 100 nghìn cán bộ, công chức, trong đó 1.000 người thuộc diện Thành ủy quản lý. Trong khi đó, chất lượng cán bộ không đồng đều.
"Ai bảo Hà Nội to hơn Hà Tây, quan trọng hơn Hà Tây, thủ trưởng của Hà Tây chỉ làm phó cho Hà Nội, không có quy định nào như thế. Nhưng quả thật để việc sắp xếp thành công tôi cho rằng, còn có cả sự hy sinh sự nghiệp cá nhân của không ít người", ông Thảo nói.
"Tôi cho rằng, ngoài sự đoàn kết ra, còn có cả sự hi sinh — kể cả sự nghiệp của cán bộ, công chức, nhân dân Thủ đô trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15", ông Nguyễn Thế Thảo chia sẻ.
Một trong những "việc lớn, việc khó" khác mà ông Thảo cho là không dễ gì làm được đó là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Ông Thảo cho biết, quá trình thực hiện các cấp lãnh đạo thành phố phải "lăn lộn các kiểu" để huy động nguồn lực đầu tư.
Theo ông Thảo, một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công trong quá trình mở rộng địa giới hành chính đó chính là tinh thần "tự lực, tự cường" của cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính.
"Nếu chúng ta quá ỷ lại vào Trung ương để thực hiện Nghị quyết thì chắc chắn không đạt được kết quả như bây giờ. Tinh thần tự lực là bài học lớn chúng ta cần phát huy trong giai đoạn tới", ông Thảo đánh giá.
Tuy nhiên, một trong những tồn tại, hạn chế ông Thảo nhận thấy trong chặng đường 10 năm sau hợp nhất cần phải khắc phục đó là yếu tố con người, cụ thể là bộ máy lãnh đạo, là đội ngũ công chức, viên chức Thủ đô.
Theo: Tiền Phong