Đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng xác định hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm: Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, sinh năm 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, sinh năm 1972; quê quán: Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình.
Hai phi công thuộc loại lão luyện, tại sao lại phải bay huấn luyện?
Đại tá Nguyễn Khánh Duy, một phi công kỳ cựu nay lên Bộ Quốc phòng làm công tác thanh tra nhận định: Khả năng một trong hai phi công này bị gián đoạn bay một thời gian nên phải bay phục hồi theo quy định thì. Tức là được một phi công khác bay kèm để phục hồi các phản xả nghề nghiệp.
Theo ông Duy, hoạt động bay huấn luyện có nhiều dạng. Huấn luyện bài bay mới thì dành cho phi công trẻ, còn bay phục hồi thì kể cả phi công lão luyện mà vì công việc hoặc sức khỏe mà một thời gian dài không bay, thì cũng phải được bay kèm để nhớ lại bài bay.
Tùy loại bài bay mà dãn cách một hay hai tháng là phải bay phục hồi.
"Tổn thất thế này thì lớn quá. Cả hai anh đó, ở chức danh đó, thì đều rất lão luyện, là vốn quý của lực lượng", — ông Duy đau xót nói.
"Khả năng là vì khu vực bay ngoài này chật chội, vướng các hoạt động hàng không dân dụng, nên phải cơ động vào trong đó bay huấn luyện. Trong đó lại có trường bắn quốc gia Mây Tào, là nơi huấn luyện ném, bắn của không quân, nên có thể huấn luyện được nhiều bài bay khác nhau. Một bài bay huấn luyện chừng 30 phút. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng, bắt đầu từ 11h16 đến 11h35 thì mất liên lạc, tức là gần hoàn thành xong bài tập rồi…".
921 là đơn vị không quân tiêm kích cấp trung đoàn đầu tiên của không quân Việt Nam. Nhiều thế hệ phi công đã trải qua môi trường huấn luyện này.
Nguồn: PLO