Tập đoàn này được thành lập vào năm 1946 và hiện nay là nhà sản xuất các hệ thống dù duy nhất ở Nga, sử dụng vào các mục đích khác nhau: quân sự, dân dụng (thể thao, cứu hộ, vận tải), huấn luyện-đào tạo (dành cho những vận động viên nhảy dù mới vào nghề). Một trong những hướng ưu tiên phát triển nhất của Viện là hệ thống dù của thiết bị vũ trụ. Để thực hiện các cuộc thử nghiệm thực tiễn, Viện có Trung tâm bay thử nghiệm, đó là sân bay nằm ở vùng ngoại ô của một thành phố nhỏ mang tên Kirzhach (Tỉnh Vladimir). Xin kể thêm rằng, chính tại nơi này vào những năm 1950-1960-х đã diễn ra khóa huấn luyện nhảy dù đặc biệt dành cho nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin và các thành viên khác thuộc đội phi hành gia đầu tiên của Liên Xô.
Ngày 26/7 ở Nga là ngày lễ kỷ niệm không chính thức, có tên gọi là Ngày lính dù. Chính vào ngày này, trên lãnh thổ Trung tâm bay thử nghiệm của thành phố Kirzhach thuộc Viện nghiên cứu khoa học chế tạo dù, với sự hiện diện của lãnh đạo "Rostec", lãnh đạo tập đoàn "Technodynamika" thuộc Bộ công thương LB Nga cùng đại diện chính quyền tỉnh Vladimir và các nhà báo, nhà máy mới đã được chính thức cắt băng khánh thành.
Sứ mệnh của nhà máy là trở thành nhà sản xuất thiết bị dù hàng đầu, vì thế không phải vô tình mà nhà máy được đặt tên là "Nhà máy dù số 1». Trong các gian xưởng mới tinh khôi với diện tích 5000 km2, được trang bị hoàn toàn bằng các thiết bị của Nga, gần 300 nhân viên sẽ có nhiệm vụ sản xuất hơn 2000 chiếc dù dùng cho các mục đích khác nhau. Trong nhà máy có bộ phận dệt may, phòng tShohí nghiệm, các khu thử nghiệm và thậm chí cả khách sạn dành cho khách mời của nhà máy. Một trong những nhiệm vụ chính của nhà máy không chỉ là sản xuất, mà còn là phát triển các hệ thống dù cho tương lai.
Phát biểu trong lễ khánh thành nhà máy, Tổng giám đốc tập đoàn "Rostec", ông Sergei Chemezov nêu rõ:
«Nhà máy này sẽ cung cấp sản phẩm dành cho các cơ quan quyền lực, các tổ chức dân sự và các hiệp hội thể thao không chỉ ở Nga, mà cả ở nước ngoài, đó là các thiết bị dù hiện đại. Tôi muốn đặc biệt cảm ơn tập thể các kỹ sư, các nhà thiết kế, các chuyên gia thử nghiệm của Viện chế tạo dù. Công suất của nhà máy mới cho phép tăng khối lượng sản xuất thiết bị dù lên gấp ba lần. Điều này không chỉ cho phép đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn tạo cơ hội bước ra thị trường nước ngoài với một sản phẩm mới, hiện đại và có tính cạnh tranh cao».
Nói về nhu cầu phải xây dựng một nhà máy mới, Thứ trưởng bộ Công thương, ông Oleg Bocharov nhấn mạnh:
«Bộ Công thương đánh giá cao công lao của tập đoàn "Rosctec" trong việc đầu tư tiền nhà nước một cách có hiệu quả, trong việc khôi phục tiềm năng của ngành công nghiệp Nga. Đây không chỉ là "những lời có cánh". Nhiều công nghệ của chúng ta gần như bị đánh mất hoàn toàn. Nhưng giờ đây, nhờ nỗ lực của các kỹ sư, lĩnh vực dù cần vươn tới những đỉnh cao mới, cạnh tranh được với những nhà sản xuất dù trên thế giới. Khó đánh giá hết được vai trò của nhà máy đối với nước Nga cả trong lĩnh vực củng cố quốc phòng của đất nước lẫn trong việc cung cấp thiết bị sẽ giúp các vận động viên nhảy dù của Nga đạt được những thành tích mới. Về phần mình, Bộ Công thương sẽ làm hết sức mình để đảm bảo việc tiêu thủ sản phẩm của nhà máy, đặc biệt là các hệ thống dù cứu hộ».
Không chỉ có cơ hội làm quen với nhà máy, các khách mời tham dự lễ khánh thành xí nghiệp còn được làm quen với các sản phẩm dù dành cho đặc công, các nền dù dùng một lần và sử dụng nhiều lần để đưa hàng xuống mặt đất. Thậm chí có cả nền dù có thiết bị tiếp nhận hệ thống định vị GLONASS. Hệ thống này sẽ được sử dụng khi cần tiếp đất một cách chính xác.
Phó kỹ sư trưởng của Viện chế tạo dù, ông Nhikolai Lopyrev giải thích thêm:
«Hiện vật trưng bày lớn nhất là hệ thống xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M và xe bọc thép chở quân "Rakushka". Hiện nay, quá trình thử nghiệm ở mức quốc gia đối với hệ thống này đã hoàn tất, trong thời gian sắp tới đây thiết bị này sẽ gia nhập lực lượng vũ trang. Có một chi tiết thú vị là, cả hai loại xe này đều có thể mang theo kíp lái xe trong khi được thả xuống đất, lên tới 7 người. Sau khi tiếp đất, những người lính đặc công có thể tham gia chiến đấu ngay lập tức. Ngoài quân đội Nga, không một quân đội nước nào có khả năng thực hiện chiến thuật này. Bản thân hệ thống xe chiến đấu thả dù "Bakhcha" (MKS-350-12Н serie 2) gồm nhiều vòm. Diện tích của mỗi vòm là 350 m2. Tùy thuộc vào trọng lượng của hàng hóa cần thả dù (có thể lên tới 20 tấn), số lượng vòm dù có thể dao động trong khoảng từ 9 tới 14 vòm. Ví dụ, để thả dù xe chiến đấu đổ bộ loại nhỏ cần thiết bị với 10 vòm dù, còn đối với BMD thì cần 11 vòm dù. Ngoài ra còn áp dụng hệ thống khấu hao để trong khi tiếp đất, lực G đối với người ngồi trong xe được đảm bảo ở mức an toàn».
Các chuyên gia thử nghiệm của Viện chế tạo dù và các vận động viên thể thao nhảy dù hoạt động ở các độ cao khác nhau đã trình diễn các hệ thống dù được sản xuất hàng loạt, cũng như các hệ thống dù mới. Ví dụ, lần đầu tiên cho ra mắt hệ thống dù của tàu vũ trụ tiềm năng mang tên "Federation». Chiếc dù ba vòm với diện tích hơn 3 000 m2, có khả năng mở ở độ cao 4 500 mét, đảm bảo thả được tàu vũ trụ 9 tấn với việc tiếp đất nhẹ nhàng. Tốc độ của thiết bị vũ trụ được thả vào thời điểm tiếp đất gần như bằng 0.
Ngoài hệ thống "vũ trụ" đặc biệt kể trên, nhà máy còn giới thiệu «hoạt động" của những chiếc dù quân sự tiềm năng: dù khoác vai D-14, cũng như dù không khoác vai "Shturm". Một số mô hình dù dân dụng cũng được trình bày tại lễ khánh thành nhà máy, ví dụ, dù ba vòm tự động dùng cho những độ cao siêu nhỏ, có tên là "Shanc". Dù này có thể là phương tiện cứu người duy nhất trong trường hợp xảy ra đám cháy hay tình huống khẩn cấp tại một tòa nhà chọc trời. Nếu dùng dù này thì hầu như bất kỳ ai cũng có thể tiếp đất an toàn, với một điều kiện duy nhất là chiều cao tối thiểu từ trên không xuống đất phải không dưới 30 mét, tức là không thấp hơn tòa nhà 9 tầng.
Còn có một "thành viên tham gia" buổi trình diễn trên không, đó là chiếc dù mang tên "Học trò". Cộng tác viên của Viện nghiên cứu khoa học chế tạo dù, phó tiến sĩ kỹ thuật Vladimir Nesterov, chuyên gia thử nghiệm dù cấp 1, người đã thực hiện hơn 13000 cú nhảy dù, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik đã cho biết đôi điều về "công cụ dành cho những người mới vào nghề":
«Hệ thống dù này đã trải qua thử nghiệm tại nhà máy vào năm 2005 và thử nghiệm ở cấp quốc gia vào năm 2007. Sản phẩm này được khuyến cáo "cần tiếp nhận để cung cấp" cho Bộ quốc phòng và các tổ chức khác chuyên đào tạo các vận động viên nhảy dù mới vào nghề. Ưu điểm của loại dù này so với những loại dù thế hệ trước là ở chỗ, hệ thống hạ cánh được đưa vào cơ sở thiết kế. Điều này cho phép một vận động viên nhảy dù mới vào nghề có thể "tiếp thu kỹ năng ngay trên trời". Người đó không cần điều khiển gì cả, chỉ cần nhảy xuống đất, dù sẽ tự mở ra, sau đó là quá trình hạ độ cao nhẹ nhàng ở chế độ "vòm trung lập", rồi hạ cánh đúng vào điểm xác định trước.
Sau khi người đó đã có một số kỹ năng cơ bản, có thể sử dụng một hệ thống khác của dù, ở mức độ phức tạp hơn: cú nhảy, sau đó là tình trạng rơi tự do kéo dài 1.5 giây, rồi dù tự động mở và người đó có khả năng điều khiển dù một chút. Ở giai đoạn ba, vận động viên đã có thể tự mình mở dù trong khi rơi tự do. Khi dù mở, người nhảy dù quay người trong không trung và bay xuống đất, mặt phải hướng về phía trước, theo đúng hướng gió đang đẩy, có thể điều chỉnh tốc độ hạ cánh, cũng như tốc độ ngang.
Các hệ thống dù trước đó chưa có khả năng này. Hơn nữa, nếu trong khi quay người trong không khí, tốc độ gió lớn hơn 2 mét trên giây, người nhảy dù từ đó trở đi sẽ hạ cánh theo tư thế lưng quay về phía trước. Và người đó buộc phải nhào lộn trong hệ thống treo để chuẩn bị tiếp đất đúng. Và còn một điều cuối cùng nữa, hệ thống dù mới được chế tạo từ những nguyên liệu hiện đại, vì thế có trọng lượng nhẹ hơn».