Theo thông báo của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN), Bộ GTVT đã đăng ký mua 164.730.291 cổ phiếu HVN mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 15,58% tổng số cổ phiếu HVN mà Bộ đang nắm giữ, qua đó duy trì tỷ lệ cổ phần tại HVN ở mức 86,16%.
Số lượng cổ phiếu dự kiến sẽ nắm giữ sau giao dịch là 1.222.368.291 cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện trong hai ngày 30 và 31/7/2018.
Trước đó, theo kế hoạch Vietnam Airlines thông báo phát hành hơn 191,19 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu — tương ứng tỷ lệ phát hành 15,5753%. Như vậy cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua 15,5753 cổ phiếu mới.
Bộ GTVT được phân bổ hơn 1,057 triệu quyền mua và quyết định đưa 371.533.127 quyền mua ra bán đấu giá với giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua.
Tuy nhiên hết thời gian đăng ký, chỉ 10 cá nhân đăng ký mua 272.000 quyền mua. Tuy nhiên, đến hạn chót không có nhà đầu tư nào đến nộp tiền mua và cũng không có ai đến nhận lại tiền đặt cọc. Do vậy, toàn bộ 371 triệu quyền mua dự kiến chuyển nhượng đã không bán được.
Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết, việc "ế toàn tập" quyền mua cổ phần Vietnam Airlines của Bộ GTVT là do doanh nghiệp đặt giá bán quyền mua quá cao.
Theo tính toán, cứ 100 quyền mua được mua 15,5752 cổ phiếu mới nghĩa là cứ mỗi cổ phiếu cần 6,42 quyền mua, tương đương với hơn 38.600 đồng. Mỗi cổ phiếu được mua với giá 10.000 đồng.
Như vậy, nếu sử dụng quyền mua, nhà đầu tư cần bỏ ra 48.600 đồng để sở hữu 1 cổ phiếu HVN.
Trong thời gian qua, cổ phiếu HVN hầu hết được giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều so với mức 48.600 đồng. Tính đến ngày 30/7, mỗi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được giao dịch trên thị trường với mức giá 36.500 đồng.
Vì lẽ đó, các nhà đầu tư không mấy mặn mà với quyền mua cổ phiếu HVN.
"Như vậy, ban đầu Vietnam Airlines muốn phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung vốn điều lệ thực hiện dự án đầu tư mua máy bay và tăng vốn lưu động cho tổng công ty. Tất cả các cổ đông được mua theo tỷ lệ sở hữu. Ban đầu, không muốn bỏ tiền Nhà nước ra thì doanh nghiệp bán quyền mua nhưng bán giá cao quá nên thất bại.
Lẽ ra, để làm bài bản thì Vietnam Airlines cần thông qua một công ty chứng khoán có uy tín để họ tư vấn cho mức giá nào tốt hoặc họ sẽ bảo lãnh để việc bán thành công.
Còn bây giờ, Bộ GTVT đứng ra mua cổ phiếu Vietnam Airlines, tức Nhà nước bỏ tiền ra mua, là sai sách. Hiện nay có rất nhiều công trình giao thông cần phải xây dựng, nhu cầu vốn vô cùng lớn. Trong khi đó, một trong những nguồn tiền ngân sách để phát triển giao thông là từ hoạt động thoái vốn.
Bộ GTVT đang quản lý vốn của những tổng công ty lớn như VNA, ACV… và nhiều doanh nghiệp khác. Bộ cứ đòi cấp vốn cho nhiều công trình giao thông, trong khi Bộ đang nắm giữ một lượng vốn lớn để xây dựng các công trình này thì lại không làm.
Lẽ ra Bộ phải rất tích cực trong việc thoái vốn, bán vốn Nhà nước tại các tổng công ty, DNNN để lấy tiền xây dựng các công trình giao thông. Đằng này tiến trình thoái vốn của Bộ GTVT tại các DNNN, tổng công ty vẫn còn chậm chạp. Lấy tiền Nhà nước đầu tư vào Vietnam Airlines, động tác ấy chính là đi ngược. ", ông Nguyễn Hoàng Hải nhận xét.
Khẳng định rằng sau cổ phần hóa, Vietnam Airlines đã tiến bộ rất nhiều, nhưng Phó Chủ tịch VAFI vẫn băn khoăn khi Nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần tại Vietnam Airlines.
"Như ở Sabeco, Habeco, Nhà nước chủ trương thoái toàn bộ 100% vốn tại hai doanh nghiệp này. Với Vietnam Airlines, Nhà nước cũng nên thoái vốn tối đa", ông Hải đề xuất.
Nguồn: baodatviet