Hoa Kỳ muốn đẩy Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng khu vực và vượt trước Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, họ không thể đạt nhiều thành công trong việc này, các chuyên gia bình luận như vậy về sáng kiến của Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ trước khi bắt đầu chuyến thăm 3 nước Singapore, Malaysia và Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ công bố một sáng kiến trị giá 113 triệu USD (gói đầu tư đầu tiên) dành cho các dự án công nghệ, năng lượng và hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông lưu ý rằng, sáng kiến này nhằm định hình khía cạnh kinh tế trong chiến lược "Ấn Độ-Thái Bình Dương" (Indo-Pacific) của Tổng thống Donald Trump — một chiến lược nhằm xây dựng sự hợp tác cùng có lợi trong khu vực chứ không phải sự thống trị của Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rằng, Washington muốn một châu Á "tự do và cởi mở" không bị thống trị bởi bất kỳ một quốc gia nào.
Chuyên gia Yang Danzhi thu hút sự chú ý đến một số chi tiết khác trong bài phát biểu của Mike Pompeo:
"Ông Pompeo gửi hai tín hiệu. Một mặt, ông nhấn mạnh nguyên tắc giữ trật tự, việc bảo vệ các giá trị đạo đức được tuyên bố là ưu tiên cao nhất. Tín hiệu này được gửi đến các nước trong khu vực và toàn bộ cộng đồng quốc tế để xua tan những lo ngại về ý định chiến lược của Hoa Kỳ. Trên thực tế, các nước trong khu vực lo ngại rằng, một số cường quốc đang tăng trưởng nhanh có thể làm suy yếu trật tự hiện tại để đẩy Hoa Kỳ khỏi khu vực. Một tín hiệu khác — đừng quên cảnh báo những cường quốc đang nổi lên. Xét theo diễn biến phát triển các sự kiện trong khu vực, lời cảnh báo này trước hết gửi đến Trung Quốc. Mike Pompeo khẳng định rằng, Hoa Kỳ sẽ không thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào muốn chiếm ưu thế ở đó. Nhưng, điều trớ trêu là Hoa Kỳ đã chiếm ưu thế trong các vấn đề an ninh ở khu vực này. Ngoài ra, trong tương lai, trong một thời gian tương đối dài, vị thế thống trị của Hoa Kỳ sẽ không sớm bị lung lay. Nói chung, nội dung chính trong chính sách của Hoa Kỳ vẫn là duy trì trật tự khu vực hiện có, nơi mà Hoa Kỳ giữ vị thế thống trị".
Chuyên gia Alexei Maslov nói: "Trong sáu tháng qua, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể sự hiện diện ở Đông Nam Á, mà điều đó, ở một mức độ nhất định, phá hoại nỗ lực của Mỹ thực hiện chính sách này. Ví dụ, một số thực phẩm trước đây được cung cấp từ Hoa Kỳ hiện đang được cung cấp từ Indonesia hoặc Việt Nam. Bây giờ Hoa Kỳ đang cố gắng đẩy Trung Quốc khỏi thị trường đầu tư lớn của Đông Nam Á, vượt trước Trung Quốc ít nhất trong lĩnh vực năng lượng bằng cách lại đầu tư vào ngành này. Chắc chắn trong tương lai gần họ sẽ tổ chức cuộc đàm phán với sự tham gia của Mỹ về thăm dò dầu khí ở Đông Nam Á, về vấn đề vận chuyển sản phẩm năng lượng".