Bài viết sau đây của Sputnik giới thiệu về cuộc đời nữ phi công Liên Xô và những truyền thuyết xung quanh người nữ anh hùng này.
Nhiều lần bay đôi
Lydia Litvyak bắt đầu tham gia chiến đấu trong thành phần Trung đoàn không quân 586, đóng quân ở Engels. Bà phải trải qua tái đào tạo từ lái chiếc U-2 di chuyển chậm sang điều khiển máy bay chiến đấu Yak-1. Các nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên diễn ra vào mùa xuân năm 1942 nhằm bảo vệ thành phố Saratov trước các máy bay Đức. Bà bay tuần tra và hộ tống máy bay vận tải, bảo vệ các khu dân cư và các cơ sở quốc phòng.
Mùa thu năm đó, nữ phi công Lydia Litvyak được chuyển đến Trung đoàn không quân chiến đấu số 437 thuộc Lực lượng không quân số 8 trên Mặt trận Đông Nam. Bà bắt đầu chiến đấu với máy bay Đức trên bầu trời Stalingrad. Ngay trong lần khởi hành thứ hai, Litvyak đã lập tức bắn hạ hai máy bay địch. Đầu tiên, bà tiêu diệt máy bay ném bom Ju-88, và sau đó trợ giúp bạn gái đã bị hết đạn kết liễu máy bay chiến đấu Me-109.
Tháng 3 năm 1943, trong trận không chiến tiếp theo, bà bị thương nhưng đưa được máy bay bị đạn địch bắn thủng về đến sân bay. Sau khi điều trị, bà được nghỉ phép một tháng. Lidia về nhà ở Moskva, gặp mẹ và em trai. Sau một tuần ở thủ đô, bà quay trở lại mặt trận.
Đầu tháng 5, chưa kịp hồi phục, Lydia đã bay hộ tống nhóm máy bay ném bom. Trong trận chiến với máy bay Messer của Đức, bà bắn trúng một máy bay chiến đấu, sau đó tiêu diệt một chiếc khinh khí cầu hiệu chỉnh toạ độ cho pháo binh. Vì những chiến công này, Litvyak đã được trao Huân chương Cờ Đỏ.
Ban chỉ huy trung đoàn cho phép bà được tiến hành cái gọi là "tự do săn lùng". Chỉ những phi công kinh nghiệm nhất mới được phép làm điều đó. Nhiệm vụ cho bà không được đặt ra một cách cụ thể — chỉ có khu vực hành động là được xác định. Khi đã cất cánh lên không, "thợ săn tự do" săn lùng máy bay địch, tự quyết định tham gia chiến đấu với máy bay đối phương hoặc tránh cuộc truy đuổi của chúng. Không hiếm khi "thợ săn" nhắm vào mục tiêu các nhóm trực trên mặt đất, phát hiện máy bay chiến đấu bay thấp hoặc máy bay ném bom Luftwaffe.
Giấc mơ thời nhỏ
Từ thời nhỏ, Lidia Litvyak đã rất thích ngành hàng không. Bà tham gia Câu lạc bộ bay từ năm 1935, khi mới 14 tuổi. Trong những năm đó, các câu lạc bộ bay được mở ra khắp mọi nơi ở Liên Xô: bầu trời mê hoặc những người trẻ tuổi, nghề phi công được đánh giá cao.
Kể từ giữa những năm 1930, Câu lạc bộ bay nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Không quân, và đội phi công của Không quân được lập ra từ các học viên đã từng trải khoa khóa huấn luyện tại các trường học này. Sau khi tốt nghiệp Trường hàng không Kherson, Lydia trở thành phi công huấn luyện. Trong nhiều năm, bà đã đào tạo hơn 40 phi công.
Khi nổ ra cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Lidia Litvyak tình nguyện gia nhập hàng ngũ Hồng quân. Tháng 10 năm 1941, do thiếu phi công quân sự và tổn thất nặng nề trong các trận không chiến, Stalin ra lệnh thành lập các đơn vị nữ phi công. Theo quyết định № 0099 "vềviệc sử dụng nữ cán bộ không quân-kỹ thuật", lực lượng không quân đã thành lập ba trung đoàn nữ phi công: trung đoàn tiêm kích, trung đoàn hoạt động ban đêm và trung đoàn máy bay ném bom tầm ngắn.
Trận cuối cùng
Lidia Litvyak hy sinh trong một trận không chiến trên khu vực phòng thủ của quân đội Đức ở sông Mius, tỉnh Lugansk. Cuộc chiến khốc liệt kéo dài ở đây kể từ tháng 12 năm 1941. Chỉ trong tháng 8 năm 1943, quân đội Liên Xô mới chọc thủng được tuyến phòng thủ của địch.
Theo anh hùng Liên Xô Ivan Borisenko, người mà Lydia thường hoạt động theo cặp khi làm nhiệm vụ chiến đấu, ngày 1 tháng 8 năm 1943, tám chiếc Yak-1 đã bay đi làm nhiệm vụ.
"Trên lãnh thổ của kẻ thù, chúng tôi thấy một nhóm máy bay ném bom bay tới đường biên mặt trận. Họ vừa bay vừa tấn công. Nhưng trong cuộc chiến đó, những chiếc Messerschmitt đã tấn công nhóm hai máy bay chiến đấu của chúng tôi. Cuộc chiến diễn ra trong những đám mây. Một chiếc Yak-1 bị trúng đạn bốc khói lao xuống phía dưới. Sau khi hạ cánh tại sân bay, chúng tôi được biết Litvyak không trở về. Chúng tôi rất đau buồn vì sự tổn thất này. Về mặt con người cũng như với tư cách phi công, cô ấy thật tuyệt với. Sau khi giải phóng khu vực này, chúng tôi đã cố gắng để tìm nơi cô hy sinh, nhưng không tìm thấy" — Borisenko hồi tưởng lại.
Nữ phi công được coi là mất tích. Có rất nhiều truyền thuyết về bà. Dường như một trong những đồng nghiệp nhìn thấy bà ha cánh chiếc Yak-1 bị hư hại và bị bắt làm tù binh. Sau chiến tranh, bà được quân đội Mỹ giải phóng và sống phần đời còn lại ở Thụy Sĩ.
Mãi đến năm 1979 mới tìm thấy thi hài của Litvyak. Bà được chôn cất trong ngôi mộ tập thể tại làng Dmitrovka, tỉnh Donetsk. Năm 1990, theo thỉnh nguyện của đồng đội, vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng trong trận chiến chống quân xâm lược phát xít, thượng úy Lydia Litvyak được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.