Nhân chuyến đi Trung Quốc gần đây, ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông đã có một số suy nghĩ về con người và xã hội Trung Quốc. Dưới đây xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của Đại sứ Nguyễn Quang Khai.
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, dù đã nghe nhiều về Trung Quốc, một nước láng giềng có những giai đoạn lịch sử thăng trầm với Việt Nam, đọc nhiều thông tin nói về đất nước và con người Trung Quốc, tôi lại chưa một lần đến thăm đất nước này.
Mới đây tôi quyết định đi một chuyến Trung Quốc theo tuyến du lịch Hồ Nam (quê hương của cố Chủ tịch Mao Thạch Đông) — Phượng Hoàng Cổ Trấn — Trương Gia Giới. Chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều cảm nhận và suy nghĩ.
Nhiều người ca ngợi sự phát triển của Singapore, Dubai, Hồng Kông. Nhưng những gì nhìn thấy trong chuyến thăm Trung Quốc làm cho tôi ngỡ ngàng. Thành phố Changsha, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam có hơn 7 triệu dân, các đường phố thẳng tắp, trải nhựa phẳng lì sạch sẽ không một cọng rác, không bụi bặm…
Nhiều người Trung Quốc yêu mến Việt Nam
Trở về Hà Nội, tôi thầm ước một ngày nào đó Hà Nội của chúng ta được như Changsha. Thời gian qua, không thể không đánh giá cao những cố gắng của Hà Nội trong việc trồng cây xanh, chỉnh trang các đường phố, nhưng có lẽ còn phải phấn đấu nhiều thì Hà Nội mới có thể trở thành một Thủ đô đẹp và hiện đại được.
Con đường cao tốc đưa chúng tôi từ thành phố Changsha đến thị trấn Phượng Hoàng Cổ Trấn dài hơn 500 km, đi qua 25 đường hầm xuyên núi, có hầm dài tới 6 km. Suốt quãng đường 500 km đẹp như tranh vẽ, xe đi êm ru, không một ổ gà, không một gợn sóng và không thấy hình bóng một cảnh sát giao thông nào.
Tôi hỏi người lái xe thì được biết, thứ nhất là do đường sá được xây dựng tốt theo chuẩn mực quốc tế, thứ hai là luật giao thông rất nghiêm và thứ ba là ý thức của người điều khiển phương tiện. Mặc dù là đường cao tốc nằm bên ngoài thành phố, nhưng vẫn có người thường xuyên quét rác nên lúc nào đường cũng sạch sẽ.
Ở Trung Quốc, bằng lái xe có 12 ô, mỗi lần vi phạm thì bị cắt đi một ô. Nếu bằng lái nào bị cắt hết 12 ô thì không còn giá trị nữa. Trên chiếc xe buýt chúng tôi đi có đến 6 chiếc camera được kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành, cảnh sát, bộ phận cứu hộ…. Các hành khách đi trên xe dứt khoát phải thắt dây an toàn và khi xe đã chuyển bánh không ai được rời khỏi ghế ngồi.
Ở Việt Nam, nếu chúng ta làm được một phần như của Trung Quốc thì sẽ giảm được rất nhiều tai nạn giao thông. Nếu đường sá, cơ sở hạ tầng không được cải thiện, ý thức người tham gia giao thông và luật pháp không nghiêm thì dù có đưa mục tiêu giảm bao nhiêu phần trăm tại nạn giao thông cũng không thể thực hiện được.
Trong chuyến đi, tôi cố gắng tiếp xúc với người dân Trung Quốc xem họ đối với Việt Nam thế nào. Tại khu du lịch hồ Bảo Phong ở Trương Gia Giới, thấy chúng tôi là người nước ngoài một nhóm người Trung Quốc túm lại hỏi chúng tôi là người nước nào? Khi biết là người Việt Nam, họ tỏ ra rất thân thiện.
Với vốn tiếng Trung Quốc ít ỏi của mình, tôi cố gắng nói về tình hữu nghị giữa hai nước. Họ đồng thanh hát và chúng tôi hát theo bài "Việt Nam — Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông…".
Như vậy, dù thế nào đi chăng nữa vẫn có những người dân Trung Quốc yêu mến Việt Nam và quý trọng tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Đây là một khách sạn lớn mới xây dựng rất đông khách, tôi cho là ban lãnh đạo khách sạn đã xem xét kỹ trước khi treo tấm bản đồ này tại tầng một. Như vậy, không phải người Trung Quốc nào cũng ủng hộ "đường lưỡi bò" (phi pháp — PV) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chuyến đi kéo dài năm ngày, không có nhiều thời gian để tìm hiểu, nhưng tôi thấy chúng ta có thể học được nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc trong xây dựng và quản lý đất nước.
Theo: Trí Thức Trẻ