Đây là cuộc gặp mặt thường niên lần thứ 48 của các cựu chiến binh Nga đã từng công tác tại Việt Nam trong những năm chiến tranh.
Trong những năm 1965-1975, hơn 11 nghìn binh lính, sĩ quan và tướng lĩnh LiênXô, chủ yếu là người Nga, đã tham gia vào cuộc chiến tại Việt Nam, giúp các bạn Việt Nam giáng trả các cuộc không kích của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, để bảo vệ tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Một số người đã phục vụ tại Việt Nam trong một năm, những người khác — vài năm. Không phải ngẫu nhiên họ đã chọn những ngày đầu tháng Tám để tổ chức cuộc gặp, bởi vì vào đầu tháng Tám năm 1964 các chiến sĩ Việt Nam đã giành được chiến thắng trận đầu - bắn rơi chiếc máy bay Mỹ. Sau đó, vào tháng Tư năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đánh phá ồ ạt, Matxcơva, theo yêu cầu của Hà Nội, đã gửi đến Việt Nam Dân chủ Cộng hoà các tên lửa "đất đối không" tiên tiến nhất tại thời điểm đó và các chuyên gia tên lửa giàu kinh nghiệm. Trong trận không chiến đầu tiên vào ngày 24 tháng 7 năm 1965, họ bắn hạ ba chiếc máy bay Mỹ.
Tham gia trận không chiến đó có trung sĩ trẻ Nikolai Kolesnik. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga đã từng công tác tại Việt Nam, tổ chức được thành lập 49 năm trước đây. Theo truyền thống, Hội này cùng với cộng đồng người Việt tại Matxcơva tổ chức các cuộc gặp mặt thường niên của cựu chiến binh Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Nikolai Kolesnik nói:
Các chi nhánh của Hội đang hoạt động tại Matxcơva, St. Petersburg, Novosibirsk, Tatarstan và tại một số khu vực khác của LB Nga. Đáng tiếc, chỉ còn lại ít hơn năm nghìn cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam sống sót. Nhiều người đã tử vong vì bị ảnh hưởng bởi những vết thương và bệnh nhiệt đới và, tất nhiên, vì tuổi đã cao. Hội viên trẻ nhất tham gia cuộc gặp hôm nay ngoài 70 tuổi rồi. Và đại đa số người khác — trên 80.
Thiếu tướng Anatoly Pozdeev sắp mừng tuổi 89. Nhưng, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội cựu chiến binh và Hội Hữu nghị Nga-Việt. Ở Việt Nam, vị tướng đã phục vụ trong những năm 1970-1971.
Thiếu tá Lev Davydyuk — 75 tuổi. Ông đã phục vụ tại Việt Nam vào những năm 1967-68, được tặng "Huân chương Chiến công". Tiểu đoàn tên lửa của ông đã được triển khai tại tỉnh Thanh Hóa. Ông đã bắn hạ 14 máy bay Mỹ, bao gồm một chiếc F-111 và một chiếc B-52.
Đại tá Gennady Ivanov đã phục vụ trong trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội Liên Xô có nhiệm vụ bảo vệ Matxcơva. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik-Việt Nam, ông nói:
Năm 1966, chúng tôi đã nhận nhiệm vụ mới — trung đoàn đông đủ đã được gửi đến Việt Nam. Các tiểu đoàn tên lửa đã được bố trí xung quanh Hà Nội và gần vĩ tuyến 17. Không quân Mỹ đã thực hiện 254 vụ ném bom xuống nơi bố trí tiểu đoàn mà tôi đã phục vụ. Chỉ riêng trong 4 tháng đầu tiên khi các chuyên gia Nga thực hiện các đợt phóng tên lửa, tiểu đoàn đã bắn rơi 11 máy bay địch. Trong cùng thời gian này, chúng tôi đã đào tạo các chiến sĩ tên lửa Việt Nam, và trong tháng 12 năm 1966, các đồng chí Việt Nam tự tiến hành trận đánh tên lửa, bắn hạ máy bay địch.
Những người tham gia cuộc gặp, tất cả các cựu chiến binh Nga từng tham gia chiến tranh Việt Nam, đã nhận được thông điệp chúc mừng từ Ban liên lạc Cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. "Các bạn không chỉ là các thầy giáo của chúng tôi, mà là những người đã từng kề vai sát cánh với chúng tôi trong những năm chiến tranh", thông điệp viết. "Với những tấm gương của các bạn, chúng tôi đang giáo dục, đào tạo những người lính và sĩ quan trẻ của Việt Nam".
Công sứ, Trưởng Ban công tác cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Quỳnh Mai nhấn mạnh, bà rất vui mừng gặp gỡ các cựu chiến binh Nga. Và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga Đỗ Xuân Hoàng nhắc nhở về việc, cũng vào ngày 5 tháng Tám, nhưng, trong năm 1982, ông đã đến học tập ở Matxcơva.
Chuyến thăm đó đã mở ra trước tôi và nhiều người trẻ Việt Nam những triển vọng mới, — ông nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik-Vietnam. — Tất cả mọi thứ: chuyến thăm đó, những kiến thức mới, lĩnh vực hoạt động mới — đều có thể thực hiện được nhờ chiến thắng vĩ đại mà Việt Nam giành được với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Nga. Từ tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn các cựu chiến binh Nga!
Việt Nam đã đi vào cuộc sống của các bạn, và cuộc sống của các bạn nhuốm máu tại Việt Nam, — Tùy viên Quốc Phòng Việt Nam tại LB Nga, Thiếu tướng Trần Minh Sơn nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp với các cựu chiến binh Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông nói thêm:
Mỗi người trong số các cựu chiến binh tham gia cuộc gặp hôm nay đều có những đóng góp to lớn vào chiến thắng của Việt Nam. Vào thời điểm đó chúng tôi chưa có vũ khí hiện đại, và quyết định của Matxcơva hỗ trợ quân sự cho Việt Nam, gửi vũ khí và các chuyên gia quân sự đã là rất quan trọng. Các chuyên gia quân sự Nga đã đào tạo những chiến binh của chúng tôi, đã chiến đấu cùng với họ, có người đã hy sinh ở chiến trường. Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên điều này.