Cảnh sát biển Việt Nam cùng với Hải quân là lực lượng được ưu tiên tiến lên hiện đại trong thời gian vừa qua khi đã đưa vào biên chế rất nhiều lớp tàu tuần tra hiện đại với lượng giãn nước từ vài trăm tấn cho tới 2.500 tấn tự đóng trong nước, đi kèm cả chiếc CSB 8020 vốn là tàu tuần tra lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao.
Hiện nay trong biên chế của lực lượng Cảnh sát biển đã có một con tàu với lượng giãn nước 4.000 tấn là tàu hậu cần — tiếp dầu mang số hiệu CSB 7001, sắp tới sẽ có thêm tàu tuần tra đa năng DN-4000 với kích thước tương tự.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, có thể trong tương lai không xa (tới năm 2020) Cảnh sát biển Việt Nam còn đưa vào thành phần hạm đội một lớp tàu cơ lớn 4.000 tấn nữa, đó là tàu cứu nạn CN-4000.
Tàu cứu nạn CN-4000 có thiết kế hiện đại, được trang bị đầy đủ những thiết bị đặc chủng cho nhiệm vụ như xuồng cứu sinh, cần trục, các loại robot tự hành… và phía trước còn có cả vòi phun nước công suất cực lớn.
Rất dễ nhận thấy thiết kế sơ bộ của tàu cứu nạn CN-4000 có nhiều nét tương đồng với bộ đôi tàu cứu hộ tàu ngầm Besant và Stoker mà Công ty đóng tàu 189 chế tạo theo đơn đặt hàng của Hải quân Hoàng gia Australia.
Tàu cứu nạn cỡ lớn CN-4000 ngoài nhiệm vụ ứng cứu, lai dắt tàu thuộc biên chế Cảnh sát biển hay tàu ngư dân gặp nạn trên biển thì căn cứ vào thiết kế, nó còn có thể đảm nhiệm vai trò tàu cứu hộ tàu ngầm cho hải quân.
Chiếc CN-4000 này sẽ kết hợp cùng tàu cứu hộ tàu ngầm MSSARS của Hải quân tạo nên bộ đôi hiệu quả, tạo ra sự an tâm lớn cho không chỉ đội hình tàu thực thi pháp luật trên biển mà còn đối với cả ngư dân hoạt động ngoài khơi.