Theo dữ liệu của National Interest, SU-35 sử dụng tên lửa K-77M có tầm bắn hơn 190 km cùng hệ thống radar. Ở những khoảng cách ngắn máy bay sử dụng tên lửa R-74 dẫn đường hồng ngoại, mà phi công có thể tự mình chỉ định mục tiêu có sử dụng kính ngắm quang học trên mũ bảo hiểm. Hơn nữa, Su-35 được trang bị tên lửa tầm trung R-27 và tên lửa tầm xa R-37 để chống lại các hệ thống radar cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu trong điều kiện chiến tranh điện tử.
Như dự đoán, phương tiện chính của Su-35 để chống lại các máy bay tàng hình là hệ thống radar mảng pha quét điện tử thụ động "Irbis-E" và hệ thống định vị quang học OLS-35 với màn hình nhiệt cho phép theo dõi mục tiêu trong phạm vi bán kính 80 km.
Tuy nhiên, theo ý kiến của NI, tất cả những lợi thế này khó có thể giúp máy bay Su-35 trong trận không chiến với các máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ F-22 và F-35, vì phi cơ Mỹ có thể phát hiện máy bay phản lực chiến đấu của Nga ở khoảng cách 160 km và phóng tên lửa để tiêu diệt nó. Song, Su-35 vẫn có thể chống lại những chiếc F-22 và F-35 nếu bằng cách nào đó rút ngắn khoảng cách và bay vào khu vực quan sát bằng mắt thường hoặc bằng thiết bị hồng ngoại.
Theo NI, mặc dù có nhiều đối số, chỉ có các chuyến bay chiến đấu thử nghiệm sẽ giúp trả lời câu hỏi: máy bay nào là tốt hơn, bởi vì còn có những yếu tố khác tác động đến kết quả trận không chiến, chẳng hạn như vũ khí trên máy bay và trình độ đào tạo phi công.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giám đốc thương mại của tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc", chuyên gia quân sự Alexei Leonkov lưu ý rằng, lợi thế chính của Su-35 là khả năng cơ động cao, trong khi đặc điểm chính của các máy bay Mỹ F-22 và F-35 là khả năng "tàng hình".
"Khi các chuyên gia Mỹ tạo ra chiếc máy bay tàng hình, họ hầu như không chú ý đến một số đặc điểm của máy bay như dễ dàng điều khiển, cũng như khả năng cơ động ở tốc độ cao, đối với họ phương hướng ưu tiên là khả năng tàng hình để máy bay lặng lẽ vào vùng phóng tên lửa và lặng lẽ ra khỏi vùng này. Nhưng, sự "tàng hình" không tồn tại trên thực tế, mà chỉ có khả năng làm giảm 30% phạm vi tầm nhìn bằng radar, đặc biệt chỉ từ một góc nhìn, trong khi đó chiếc máy bay có thể bị phát hiện khá dễ dàng từ các góc nhìn khác. Nếu một chiếc máy bay như vậy thấy được hệ thống phòng không thì thiết bị radar trên Su-35S cũng nhìn thấy chiếc máy bay này ở khoảng cách đủ để bắn tên lửa không-đối-không. Và tên lửa này chắc chắn sẽ bắn trúng máy bay tàng hình, vì các máy bay Mỹ F-22 và F-35 không có khả năng cơ động cao như các tên lửa của chúng tôi", — ông Alexey Leonkov cho biết.
"F-22 và F-35 là hai "kẻ săn mồi lén đi theo" còn Su-35 là "thợ săn". Hơn nữa, Su-35 không cần đến khả năng tàng hình bởi vì hệ thống tác chiến điện tử Khibiny bảo vệ máy bay khỏi đa số loại vũ khí "không — đối- không ". Nói về khả năng cơ động thì máy bay Nga có hai động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều, nhờ đó có thể thực hiện những động tác mà các máy bay Mỹ, ví dụ như F-22, không thể làm được. Động tác phức tạp nhất của máy bay Mỹ là động tác vòng lộn Nesterov, còn Su-35 có thể quay ngoắt 180 độ và ngay lập tức tấn công vào chiếc máy bay tiêm kích "theo đuổi", — chuyên gia quân sự cho biết.