Năm 2018, Thủ khoa và Á khoa của Học viện Hậu cần đều là thí sinh của tỉnh Hòa Bình. Năm nay Học viện hậu cần tuyển 474 thí sinh.
Nếu xét theo tổng điểm xét tuyển, thủ khoa năm nay của Học viện là em Đỗ Trung Giang — thí sinh của Hòa Bình với tổng điểm là 28,7 xét tuyển bằng khối A00 (Toán 9,2; Vật lý 9,75 và Hóa học 9).
Người có điểm thi cao thứ hai toàn Học viện cũng là một thí sinh của Hòa Bình là em Nguyễn Hà Hải Đăng với tổng điểm sau khi cộng ưu tiên khu vực là 28,25 (Toán 9; Vật lý 9,25 và Hòa học là 9,25).
Trường Sĩ quan Pháo binh có thủ khoa là thí sinh của tỉnh Hòa Bình với điểm xét tuyển là 27,65 (Toán 9,4; Vật lý 8,25; Hóa học 9,25; điểm cộng ưu tiên khu vực là 0,75).
Thủ khoa của Trường Sĩ quan Phòng hóa là thí sinh của tỉnh Hòa Bình với điểm trúng tuyển khối A là 26,15 điểm.
Thủ khoa toàn trường và cũng là thủ khoa khối A của Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 2018 là thí sinh của Hòa Bình với tổng điểm xét tuyển 28,2 (trong đó Toán 9,2; Vật lý 9; Hóa học 9,25 và 0,75 điểm ưu tiên khu vực).
Thủ khoa khối A1 và có điểm xét tuyển cao thứ 3 toàn trường với 27,25 là thí sinh của tỉnh Lai Châu.
Trường Sĩ quan Chính trị có thủ khoa theo tổ hợp xét tuyển khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) đến từ Lạng Sơn với tổng điểm xét tuyển 26,05 (trong đó Toán 8,8; Vật lý 8,25; Hóa học 8,25; điểm ưu tiên khu vực là 0,75).
Theo tổ hợp khối C (Văn, Lịch sử, Địa lý), Á khoa của trường này cũng là thí sinh của Lạng Sơn với tổng điểm xét tuyển 29,25 (kém thủ khoa đến từ Thanh Hóa 0,5 điểm). Điểm thi của thí sinh này lần lượt là Văn 8,5; Lịch sử 8,5 và Địa lý 9,5 điểm cùng cộng 2 điểm ưu tiên đối tượng và 0,75 điểm ưu tiên khu vực.
Trong tổng 367 thí sinh miền Bắc trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị, có 20 thí sinh của Lạng Sơn (chiếm 5,45%), đứng thứ ba sau Hà Tĩnh, Thái Nguyên về số lượng thí sinh đỗ vào trường.
Học viện Biên phòng có 2 đồng thủ khoa khối C với tổng điểm xét tuyển 29 là thí sinh của Lạng Sơn và Cao Bằng. Á khoa khối C của Học viện này là thí sinh của tỉnh Sơn La với tổng điểm xét tuyển 28,25 điểm. Cả 3 thí sinh này đều được cộng 2,75 điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Học viện Khoa học Quân sự tuyển 5 ngành. Trong đó, 2 nữ sinh của Hòa Bình đạt điểm xét tuyển cao nhất ngành Ngôn ngữ Anh (26,94 điểm) và Ngôn ngữ Nga (25,84 điểm).
Trong danh sách 489 thí sinh trúng tuyển hệ kỹ sư quân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2018, người có điểm thi cao nhất trúng tuyển vào học viện là một thí sinh của Sơn La.
Cụ thể đó là em Mai Việt Tùng — thí sinh của tỉnh Sơn La với tổng điểm là 27,9 (Toán 9,4; Vật lý 9,5; Hóa học 9).
Nếu xét theo tổng điểm xét tuyển (gồm cả điểm cộng ưu tiên), điểm cao nhất là em Phạm Ngọc Hùng — thí sinh của tỉnh Thanh Hóa với tổng điểm là 30,15 (Toán 8,4; Vật lý 8,4 và Hóa học 9,5; tổng điểm cộng ưu tiên là 2,75).
Xếp thứ hai là em Bùi Ngọc Sơn — thí sinh của Hòa Bình với tổng điểm xét tuyển là 29,75 (Toán 9; Vật lý 9; Hóa học 9; tổng điểm cộng ưu tiên là 2,75).
Không nằm trong nhóm đóng trụ sở ở phía Bắc, Trường Sĩ quan Thông tin liên lạc ở Khánh Hòa cũng có thủ khoa là thí sinh của Hòa Bình với 25,95 điểm xét tuyển (trong đó Toán 8,2; Vật lý 8,25; Hóa học 6,76 và điểm cộng ưu tiên 2,75).
Thí sinh Hoà Bình, Sơn La, Lạng Sơn…né trường Bách khoa
Nếu so sánh mức điểm chuẩn của các trường quân đội, công an năm nay với điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội — một trong những trường kỹ thuật tốp đầu cả nước, thì con số là tương đương nhau.
Điểm chuẩn của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2018 dao động từ 20 đến 25 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn Học viện Hậu cần dao động từ 19,65 tới 21,9 điểm. Điểm chuẩn Học viện An ninh nhân dân từ 24,2 tới 25,8 điểm. Học viện Kỹ thuật quân sự có điểm chuẩn từ 21,35 tới 25 điểm,…
Nếu như thống kê cho thấy Lạng Sơn, Hoà Bình, Sơn La là những tỉnh có số lượng thí sinh đỗ vào Học viện An ninh nhân dân cao nhất, hay thủ khoa các trường quân đội rơi nhiều vào thí sinh của những tỉnh này, thì với các trường kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, số thí sinh tới từ các địa phương này thậm chí còn nằm ở tốp cuối.
Theo phân tích của PGS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong số 29 địa phương có số thí sinh trúng tuyển vào Bách khoa nhiều nhất, những tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hoà Bình đều nằm trong tốp cuối (xem biểu đồ).
Cụ thể, Hoà Bình đứng ở vị trí thứ 20, Lạng Sơn 22, Sơn La 23, Hà Giang 25 trong danh sách 48 địa phương có thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay.
Đứng đầu là Hà Nội với số thí sinh trúng tuyển vào trường vượt trội — 1738 thí sinh. Tiếp sau đó là Thanh Hoá, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… có số thí sinh trúng tuyển vào trường dao động từ 340 đến 537 thí sinh.
Bắt đầu từ Yên Bái — vị trí thứ 18 — trở lên, số thí sinh trúng tuyển chỉ từ 47 trở xuống. Hà Giang có 12 thí sinh trúng tuyển Bách khoa Hà Nội. Con số này của Sơn La là 21, Hoà Bình 34.
Khi được hỏi liệu có đánh giá lại chất lượng thí sinh trúng tuyển vào trường trong bối cảnh gian lận thi cử "nở rộ" như năm nay, một số lãnh đạo các trường đại học kỹ thuật đã trả lời rằng "không dại gì các em ấy đăng ký vào trường chúng tôi. Hoặc nếu có trúng tuyển rồi, nếu không đủ khả năng học tập cũng sẽ bị hệ thống đánh giá trong quá trình học thải loại".
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM từng khẳng định: "Với một trường đại học có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong tốt thì không ngại những thí sinh vào trường không phải bằng thực lực. Mỗi năm trường chúng tôi đuổi khoảng 300 em, trong đó có những em không đủ khả năng học. Nếu siết chặt bên trong thì sẽ đảm bảo chất lượng đầu ra".
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng từng cho rằng, những thí sinh gian lận thi cử thường sẽ không chọn những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, bởi áp lực học tập lớn, dễ bị đuổi học nếu không đạt yêu cầu của nhà trường. Như ĐH Bách khoa Hà Nội, mỗi năm buộc thôi học khoảng hơn 700 sinh viên, mà nguyên nhân chủ yếu do ý thức học tập.