Có lẽ không nơi đâu ngoài nước Mỹ mà Tổng thống Trump lại dồn nhiều tâm trí như Trung Quốc.
Giới quan sát, các chuyên gia đang nhảy vào cuộc tranh luận về động cơ thực sự của việc Washington đẩy mạnh cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh, một chiến lược to lớn được dẫn dắt bởi Tổng thống Donald Trump mà nhiều người cho là để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông He Weiwen, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng chính quyền Trump không hề giấu diếm ý định kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc thông qua các mức thuế quan mà nước này áp đặt. Nhiều người đồng thuận với nhận định này.
Gần như tất cả đều đồng ý rằng thuế quan chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch ngăn Trung Quốc đánh bật Mỹ ra khỏi vị trí nền kinh tế số 1 thế giới của Tổng thống Trump. Một số ý kiến còn lo ngại 2 quốc gia có thể sẽ rơi vào kịch bản đối đầu để tranh giành vị trí thống trị toàn cầu như những gì đã xảy ra với Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ trước.
Những người chỉ trích ông Tập nhận định các chính sách như ‘Made in China 2025' và sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã khiến phương Tây cảnh giác, buộc Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc trước khi họ có thể xây dựng được những công nghệ quan trọng.
Một ví dụ điển hình là chính quyền Trump đã nhanh chóng hạ bệ tập đoàn ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, liên tiếp đưa ra các gói thuế quan khổng lồ đánh vào hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại có quy mô và cường độ lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên các quan chức Mỹ lại nói họ không hề muốn ngăn cản Trung Quốc phát triển, họ chỉ muốn ngăn Trung Quốc vi phạm luật và ăn cắp sở hữu trí tuệ — những cáo buộc mà Bắc Kinh liên tục phủ nhận.
"Cuộc chiến thương mại giúp Trung Quốc hiểu được về cách mà một chiến tranh lạnh bắt đầu", An Gang, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách công Pangoal, Trung Quốc nhận định.
Giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc từng rất hoan nghênh sự trỗi dậy của Tổng thống Trump, người mà họ đánh giá là nhà giao dịch thực dụng có thể thu hẹp mức thâm hụt thương mại lên tới 375 tỷ USD giữa 2 quốc gia. Nhưng gió đã đổi chiều, các quan chức chóp bu của nền kinh tế thứ 2 thế giới giờ đang phải đau đầu tìm ra giải pháp cho liên tiếp những đợt đánh thuế thẳng tay từ nhà lãnh đạo Mỹ.
Ông Wang Huiyao, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh giờ đây đã sẵn lòng đàm phán nhưng chính những chiến lược gây áp lực của ông Trump đã phản tác dụng khi làm người Trung Quốc "nóng mắt" và khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong họ.
Trung Quốc từng không dưới một lần đề cập tới các phương án đối phó với Mỹ như áp thuế ôtô, chất bán dẫn và máy bay Boeing. Chỉ có điều họ vẫn chưa dám mạnh tay thực sự.
"Nếu bạn muốn ông Trump nhớ, hãy giáng một cú thật mạnh và thật đau", Wei Jianguo, cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay.
Theo Bloomberg, đây là lúc bản năng chiến đấu tự nhiên của Trung Quốc trở lại. Dù vậy, họ có vẻ như vẫn đang chờ đợi thời cơ phản đòn, có thể là đợt bầu cử giữa kỳ tới đây của Mỹ. Nhiều người Trung Quốc được hỏi cho thấy cơ hội sẽ mở ra cho Trung Quốc nếu đảng Cộng hòa của ông Trump thất thế.
"Chúng tôi đang nói chuyện với Trung Quốc và họ cũng muốn thế. Họ chỉ không thể đưa ra các thỏa thuận mà chúng ta có thể chấp nhận. Vậy nên chúng ta sẽ chỉ đi tới bất cứ thỏa thuận nào khi giành được điều gì đó công bằng cho nước Mỹ", ông Trump nói trong buổi họp nội các.
Thực tế thì chẳng một ai có thể nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết cho mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, khi mà ông Trump có thể thay đổi cục diện bất cứ lúc nào — như cách mà ông từng áp dụng với NAFTA, Liên minh Châu Âu và Triều Tiên — thì đối với Trung Quốc, nhà lãnh đạo Mỹ luôn bỏ qua các cơ hội có thể giảm căng thẳng giữa hai bên.
"Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ nguy hiểm nhất trong 40 năm qua. Nếu Tổng thống Trump kề dao vào cổ chúng ta, chúng ta bằng mọi giá sẽ không đầu hàng", Lu Xiang, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.