Trong những năm gần đây, chính sách "một nước Trung Quốc" đã ngày càng ảnh hưởng đến các công ty toàn cầu — nhà Trung Quốc học Michael Korostikov bình luận với Sputnik.
Four Points by Sheraton ở Đài Bắc là khách sạn hạng thương gia, thành viên của chuỗi Starwood. Chuỗi này đã được Marriott mua lại vào năm 2016. Lãnh đạo Four Points đã công bố trên trang đầu của tờ báo Liberty Times của Đài Loan cho biết khách sạn sẽ chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại. Họ cũng sẽ thay đổi tên của khách sạn và sẽ không chấp nhận đơn đặt hàng từ hệ thống đặt phòng Marriott nữa. Lý do chính là trang web chính thức bằng tiếng Trung của Marriott International và các tài liệu quảng cáo sử dụng tên gọi "Đài Loan, Trung Quốc". Trên phiên bản của trang web dùng chữ tượng hình truyền thống ở Đài Loan và Hồng Kông, tên "Đài Loan" vẫn được dùng.
Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích mạng lưới khách sạn quốc tế Marriott về quan điểm Đài Loan, Tây Tạng và Hồng Kông như những nhà nước độc lập, về cơ bản là trái với chinh sách chính thức của Bắc Kinh về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Sau khi chính phủ Trung Quốc chặn trang web chính thức của Marriott trong một tuần, đại diện của công ty đã xin lỗi và bắt đầu sử dụng cụm từ "Đài Loan, Trung Quốc" trên trang web của mình.
Một trường hợp khác liên quan đến việc quá cảnh của người đứng đầu chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn ở Los Angeles. Bà Thái Anh Văn đến thăm quán cà phê Bakery 85C — thương hiệu của Đài Loan. Phản đối hành động này, người dùng Internet mạng Weibo Trung Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ công ty Đài Loan do "tiêu chuẩn kép" của doanh nghiệp và hứa sẽ tẩy chay tất cả các cửa hàng cà phê 85C Bakery. Đối với 85C, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc và Hồng Kông là các thị trường kinh doanh chính. Việc đánh mất hình ảnh ở thị trường Trung Quốc có thể làm giảm doanh thu của công ty, do đó đại diện của 85C đã tuyên bố chính thức xác nhận sự tuân thủ nguyên tắc "một nước Trung Quốc".
Gần đây, ngày càng có nhiều công ty thương mại nước ngoài liên quan tới cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và chính quyền Đài Loan về tình trạng của hòn đảo này. Do định vị không chính xác về tình trạng của Đài Loan, Tây Tạng và Hồng Kông, nhiều công ty nước ngoài: Gap, Zara, Trip Advisor, Mercedes-Benz và các doanh nghiệp khác chịu nhiều áp lực. Chính quyền Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn bất kỳ hành động nào của chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức phi chính phủ, tỏ ra nghi ngờ về tình trạng của Đài Loan, Tây Tạng và Hồng Kông. Chính quyền yêu cầu tất cả các hãng hàng không quốc tế, khách sạn và các công ty nước ngoài khác chỉ rõ tên của tất cả các đơn vị lãnh thổ Trung Quốc. Rõ ràng, việc chính phủ Trung Quốc tăng cường quan tâm đến vấn đề này trên bối cảnh thực tế là Donald Trump, cùng với áp lực lên Trung Quốc trong thương mại, đang cố gắng chơi con bài Đài Loan. Điều này còn được thể hiện bằng các bước gia tăng hợp tác quân sự của Mỹ với hòn đảo, và cấp độ các quan chức liên quan đến trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, nhà bình luận Korostikov của tờ báo Kommersant tổng kết.