Sau bộ ảnh ồn ào của Á hậu Thư Dung và các người mẫu tự do khác, tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định sẽ hạn chế du khách vào khu vực mỏ đá hoa cương bị bỏ hoang nằm ở thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang được gọi với cái tên là Tuyệt tình cốc.
Theo ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, có nhiều du khách đến đây theo kiểu dân đi phượt, trong khi đường vào địa điểm này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn do địa hình lởm chởm núi đá, hồ nước có độ sâu ở mức báo động. Đó là lý do cơ quan chức năng sẽ cấm không cho các xe vào.
Trước đó, những nơi được mệnh danh là Tuyệt tình cốc tại một số tỉnh thành khác cũng bị đưa vào danh sách cảnh báo nguy hiểm về địa hình, đường đi, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao… song nhiều nhóm du khách vẫn đi phượt theo kiểu tự phát.
Sự việc chỉ ồn ào, bị chỉ trích khi xảy ra những sự cố đáng tiếc chẳng hạn hình ảnh nhạy cảm đi ngược với thuần phong mỹ tục hoặc tai nạn thương tâm. Điều đáng nói là đối tượng du khách tự phát này đa phần đã ở độ tuổi trưởng thành, có thể đủ ý thức năng lực hành vi nhưng vẫn chủ quan, bất chấp nguy hiểm. Thậm chí, họ còn tỏ thái độ bất cần, thách thức dư luận.
Tuy nhiên, theo một số luật sư, dưới góc độ pháp lý, để xử phạt hành vi của ê-kíp thực hiện bộ ảnh thì không dễ dàng. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP, đối với hành vi "Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội;…" sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Khi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội có hiệu lực đã thay thế và bãi bỏ quy định xử phạt nêu trên. Bởi thế, về nguyên tắc hành vi chụp ảnh phản cảm của ê-kíp trên không thỏa mãn điều kiện pháp lý để có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Hơn nữa địa điểm ê-kíp thực hiện bộ ảnh chỉ du lịch tự phát, chưa được cấp phép, chưa có nội quy của cơ quan đủ thẩm quyền nên khi du khách phát sinh những hành vi không phù hợp thì cũng thiếu căn cứ đối chiếu, xử phạt. Dù vậy, nếu nói về những thiệt hại của Á hậu Thư Dung về ê-kíp sau bộ ảnh tai tiếng này thì cũng là một bài học về cách nhận thức, ứng xử.
Nếu trường hợp cuộc thi sắc đẹp mà Á hậu Thư Dung tham gia có quy định, yêu cầu về cách ứng xử, lối sống của ngoài đoạt giải sau cuộc thi thì cô hoàn toàn có thể bị tước danh hiệu, xử lý theo quy định. Ở một góc độ khác, trong cái nhìn của công chúng, một người đẹp mang danh hiệu mà có hành vi, ứng xử phản cảm thì chính họ đã tự tước bỏ danh hiệu ấy trong lòng công chúng.
Trên thực tế, ranh giới giữa những hành vi, hình ảnh phản cảm gây bức xúc dư luận và tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hoàn toàn khác nhau. Có thể, rất nhiều người đang nhầm lẫn, đánh đồng, áp đặt vì sự thiếu hiểu biết pháp luật, cảm tính cá nhân. Nhưng cũng vẫn là thực tế, rất nhiều người nổi tiếng tuy không bị xử phạt về mặt pháp luật nhưng lại không thể làm nghề sau những "vết đen" sự nghiệp, đơn giản bởi nghề của họ tồn tại là nhờ công chúng.