Dự án Nam Đàn Plaza nằm trên lô E2.1 ngay mặt đường Phạm Hùng, gần tòa nhà Keangnam, vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội.
Ngày 18/10/2002, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 7100/QĐ-UB về việc thu hồi 9.584m2 đất tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (nay là phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) cho Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương thuê để xây dựng Trung tâm Tang lễ văn minh.
Tháng 1/2006, UBND thành phố Hà Nội chính thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.
Ngày 09/11/2006, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 5221/UBND-KHĐT cho phép Công ty TNHH Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương chuyển đổi mục đích sử dụng từ mục đích xây dựng Trung tâm Tang lễ sang xây dựng khách sạn 5 sao.
Về việc này Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo sở đã thanh tra và ban hành kết luận số 622/KL-STNMT ngày 08/4/2014, UBND thành phố có văn bản số 7422/UBND ngày 25/9/2014 giao Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý việc cấp phép xây dựng cho Công ty Cổ phần Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.
Liên quan đến Dự án Nam Đàn Plaza, đầu năm nay TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà Đinh Mạnh Thắng (em trai bị án Đinh La Thăng), cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh và 6 đồng phạm với cáo buộc tham ô 49 tỷ đồng trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại Dự án Nam Đàn Plaza.
Sau đó ông Lê Hòa Bình đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Không giống với những cổ đông sáng lập khác của Công ty Xuyên Thái Bình Dương, cổ phần của PVP Land đã bị các bị cáo phù phép từ 52 triệu đồng/m2 xuống còn 34 triệu đồng/m2 để đút túi số tiền chênh lệch.
Cơ quan chức năng cho rằng, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn giá trị thực tế 18 triệu đồng/m2 rồi chia nhau chiếm đoạt.
Sai phạm hình sự của các bị cáo đã khiến Nhà nước bị thiệt hại 87 tỷ đồng (bởi 100% vốn của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương là vốn nhà nước)