Ngày hôm qua, lần đầu tiên tại kỳ ASIAD này, người hâm mộ thể thao cả nước được dõi theo các VĐV Việt Nam thi đấu một cách đàng hoàng, chính thống. Và hôm nay là trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Bahrain. Vẫn là sự hồi hộp trước giờ bóng lăn như thường lệ, và có cả chút hồi hộp khi lần đầu không phải "ăn vụng xôi lạc" mà được xem U23 đá trên các kênh sóng chính thống — điều mà lâu nay khán giả truyền hình coi là quyền mặc nhiên của mình. Đòi hỏi ấy của khán giả là chính đáng, bởi các cơ quan truyền thông nhà nước, cả Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), đều có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, phụng sự người dân về mặt thông tin. Vì thế, chuyện VTV không mua được bản quyền ASIAD 2018 không chỉ khiến đông đảo khán giả thất vọng, mà còn mang đến một cuộc "khủng hoảng" cho cơ quan này.
Giữa làn sóng chỉ trích của công chúng, vì lý do biện minh đưa ra còn thiếu thuyết phục, VOV đã đọc được nỗi lòng người dân, và vào cuộc kịp thời. Ban lãnh đạo của VOV biết lắng nghe nhu cầu của công chúng, và vì công chúng.
Dù sự kiện thể thao đã diễn ra, nhưng VOV vẫn dồn hết lực để đàm phán và kêu gọi các nhà tài trợ tham gia trong nỗ lực để có được bản quyền, nhằm mang những hình ảnh trực tiếp của giải đấu về, phục vụ và đáp ứng sự mong mỏi của công chúng.
"Chúng tôi làm điều này trước hết là vì người hâm mộ, chứ không phải vì thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam… Chúng tôi cũng sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ mình cũng chấp nhận. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà phải đi xem một kênh trên mạng xã hội, không chính thống là điều đáng tiếc…". Những lời tâm huyết của Tổng giám đốc VOV nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của đông đảo người dân.
Và nỗ lực tuyệt vời của VOV, dù vào phút bù giờ, đã giải toả cơn khát được theo dõi các trận đấu của đoàn thể thao Việt Nam và giúp hàng triệu người hâm mộ thoát khỏi cảnh "xem lậu" trên các kênh không chính thống.
Như nắng hạn gặp mưa rào, công chúng hâm mộ thể thao trong cả nước đã hoan hỉ đón nhận tin vui, và không ngớt dành những mỹ từ cho nỗ lực của VOV. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên, sau thành công của việc đàm phán sở hữu bản quyền ASIAD, người đứng đầu cơ quan truyền thông này — Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ — được ca ngợi như một người hết sức trách nhiệm, xốc vác các công việc "khó nhằn" nhằm phụng sự công chúng hâm mộ thể thao. Không ít bạn trẻ gọi ông bằng một từ không thể teen hơn: "Soái ca".
Còn nhớ cách đây không lâu, VTV có dự định tham gia dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, nhưng sau đó đã dừng lại vì nhiều lý do. Tháp truyền hình kỷ lục ấy không hiện hữu, nhưng việc xây dựng tháp trong lòng dân thì là việc nên làm, và phải làm trước, làm sớm.
Trong câu chuyện bản quyền ASIAD có một tín hiệu vui mà những nhà nghiên cứu về truyền thông có thể nhận ra, đó là đã có sự cạnh tranh quyết liệt của chính các cơ quan truyền thông nhà nước trong việc tạo dựng "tháp lòng dân" — giành được chỗ đứng trong lòng công chúng. Cuộc cạnh tranh sòng phẳng, xóa bỏ độc quyền của các cơ quan truyền thông lớn cũng là vì công chúng, để phục vụ công chúng tốt nhất. Chính công chúng sẽ quyết định gắn bó với một cơ quan truyền thông hay từ bỏ họ ra đi, và về sâu xa chính công chúng quyết định lẽ sinh tồn của một cơ quan truyền thông cụ thể.
Truyền thông sẽ còn là gì nếu từ bỏ nỗ lực phụng sự công chúng?!
Nếu coi chuyện có được bản quyền cũng là một trận túc cầu, hẳn nhiên VOV đã dẫn bàn ngoạn mục!