Tại hội thảo Chính phủ và chính quyền địa phương (để góp ý sửa luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương) do Bộ Nội vụ tổ chức hôm qua, GS.TS Nguyễn Hữu Khiển so sánh Hiến pháp Nhật quy định muốn làm Bộ trưởng phải làm nghị sĩ.
Ông giải thích, Bộ trưởng của họ là đảng cầm quyền, đảng đối lập họ làm ĐBQH vẫn bị các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương chất vấn bình thường. "Còn của ta là 1 đảng, các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh vào QH hết thì lấy ai mà chất vấn?", ông đặt vấn đề.
GS Khiển nêu thực tế: "Các chủ tịch tỉnh, bí thư và bộ trưởng không bao giờ chất vấn nhau. Ông Tân (Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân — người chủ trì hội thảo — PV) lên thì chỉ mấy ĐB ngày nào cũng phát biểu chất vấn thôi. Ông Tân chất vấn Bộ trưởng KH&ĐT thì lần sau họ chất vấn ông, ông cũng mệt".
TƯ can thiệp việc địa phương, có dám khởi kiện?
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng nhắc lại chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010 định rõ cái quan trọng số 1 là cải cách thể chế, định rõ được, thay đổi được chức năng của Chính phủ, chính quyền các cấp. Chính phủ chỉ làm chính sách, làm pháp luật, làm khung thể chế, còn lại việc cụ thể thực hiện là ở chính quyền địa phương.
"Quan điểm cải cách là rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền. Việc TƯ làm của TƯ, việc của địa phương làm thì địa phương phải chịu trách nhiệm", ông nhấn mạnh.
Ông Phúc tỏ ra phấn khởi khi tinh thần này được thể hiện trong nhiều nghị quyết gần đây, bởi công cuộc này chúng ta theo đuổi gần 20 năm.
"Phải làm như vậy bộ máy mới gọn nhẹ, mới giải được bài toán "bộ máy vẫn phình và biên chế vẫn lớn". Chứ bây giờ cứ ôm tất từ TƯ đến địa phương thì tài thánh cũng không thể giảm được bộ máy, biên chế", ông lưu ý không phải việc gì cũng trình lên Thủ tướng.
Theo ông Phúc, đã đến lúc phải làm rành mạch việc này. Nếu không rành mạch thì không rõ người, rõ việc, không xử lý được thì cuối cùng là tập thể hết. Tập thể thì khó xử lắm và không phát hiện được nhân tài.
PGS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Cái gì đã phân quyền cho địa phương, cái đó là của địa phương mới nâng cao được tính trách nhiệm, tính tự quản, tự quyết của địa phương".
Tuy nhiên ông lại tự đặt câu hỏi: "Chúng ta có dám đề cập đến việc này không? Cái gì đã giao cho địa phương rồi, xin mời TƯ không được can thiệp, nếu can thiệp có thể khởi kiện ra tòa, mình có dám đi đến cùng thế không?".
Theo ông, nếu không đi đến cùng thì làm gì cũng phải xin ý kiến bên trên, đẩy việc lên, địa phương cũng không muốn tự chủ, không muốn chịu trách nhiệm.
Bộ máy chính quyền phân mảnh quá nhiều
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: "Tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc chứ không phải càng lên trên càng nhiều việc như hiện nay. Trên cao chủ yếu tập trung những việc lớn, liên quan đến toàn dân và trách nhiệm cao, tránh giải quyết sự vụ".
Ông cũng lưu ý, tinh giản bộ máy mà đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với công việc thì hỏng việc. "Tinh giản bao giờ cũng đi đôi với tinh hoá và chuyên nghiệp hoá, nếu không tính toán để bù đắp thì chắc chắn tinh giản sẽ thất bại. Nếu máy móc giảm xuống mà không đặt vấn đề bù đắp thì chỉ là cơ học", ông cảnh báo.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị sửa luật phải tạo ra môi trường dân chủ, mà trước tiên là phải tạo cơ hội công bằng quy định trong luật. "Bởi vì tôi nhìn vào trong luật quy định các điều kiện, tiêu chuẩn để phấn đấu. Vừa phấn đấu được thì thay luật đi, người khác đến lại gặp may. Nền hành chính mà gặp may liên tục như vậy thì chết", ông Liên nói.
Ông cũng nêu lên thực tế: "Trong con mắt nhân dân hiện nay, bộ máy chính quyền cồng kềnh nhiều cấp, bị phân mảnh quá nhiều. Một nước 1,5 tỉ dân như Trung Quốc có 34 tỉnh, chúng ta có 63 tỉnh, 712 huyện và hơn 11.000 xã. Vừa nhiều cấp, vừa phân mảnh, trong khi điều phối chung của TƯ đang yếu".
Theo nguyên Thứ trưởng Tư pháp, Chính phủ và chính quyền địa phương liên quan với nhau nhưng "bây giờ nói thật là chúng ta còn ôm đồm nhiều quá sinh ra quan liêu, sinh ra cơ chế xin cho, không kiểm soát được thì sinh ra tiêu cực".
"Muốn Chính phủ làm việc lớn thì phải tính đến mối quan hệ giữa Chính phủ và địa phương và tinh thần là phân định thẩm quyền mạnh cho địa phương, TƯ chỉ tập trung vào những việc lớn", ông đề nghị.
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP lại cho rằng, quản lý bộ máy, tổ chức và biên chế công chức mà phân cấp phân quyền về địa phương thì không ổn.
"Trăm hoa đua nở, không cẩn thận phân cấp thành buông, mà buông về tổ chức bộ máy thì không ổn", ông cảnh báo.