"Phát cuồng" phim Trung Quốc
Đa phần các bộ phim cổ trang Trung Quốc đều xoay quanh nội dung cuộc chiến của những cung tần chốn hậu cung. Những mánh khóe, sự thâm độc, hãm hại lẫn nhau vì sự đố kỵ, ghen ghét. Từ đó dẫn đến những mâu thuẫn đỉnh điểm, tạo cho người xem được cảm giác gay cấn nhưng cũng không kém phần thú vị.
Gần đây, bộ phim "Diên Hi công lược" đang gây sốt tại Việt Nam. Có thể thấy, mặc dù bị cắt bản quyền nhưng các bạn trẻ vẫn xôn xao, lùng sục đi tìm link để xem cho bằng được. Bộ phim lấy bối cảnh những năm đầu thời đại Càn Long, thiếu nữ Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) vào cung làm cung nữ để điều tra chân tướng về cái chết của người chị gái và thề giành lại công lý cho chị mình. Bộ phim xoay quanh cuộc chiến của thiếu nữ Ngụy Anh Lạc nơi hoàng cung với những tình tiết hấp dẫn.
Không chỉ riêng "Diên Hi công lược", "Như Ý truyện" được kỳ vọng sẽ tạo ra cơn địa chấn. "Như Ý Truyện" xoay quanh cuộc đời của Như Ý (Châu Tấn), con dâu Chân Hoàn. Từ một Trắc phúc tấn, trải qua bao âm mưu và thủ đoạn, từng bước trở thành Kế hoàng hậu của vua Càn Long (Hoắc Kiến Hoa thủ vai) — Ô Lạt Na Lạp Thị, cho đến khi bị phế hậu.
Trước đó, nhiều bộ phim cổ trang Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm từ một lượng đông khán giả như "Võ Tắc Thiên", "Cung Tâm kế", "Hoa Thiên Cốt", "Sở kiều truyện", "Vũ động càn khôn"… Phải nói, khán giả Việt, đặc biệt là khán giả trẻ rất quan tâm đến phim cổ trang Trung Quốc.
Khi được hỏi về lý do, bạn Phạm Thúy Ngọc (sinh viên Cao đẳng Du lịch) cho biết: "Các bộ phim cổ trang Trung Quốc thể hiện được những mánh khóe của người xưa và những câu chuyện mà thời nay không thể nhìn thấy được. Xem phim cổ trang có cảm giác như được quay trở lại thời gian ấy với những bối cảnh đẹp, cảnh quay bắt mắt, đặc biệt là cốt truyện thú vị nên chuyện giới trẻ thích thú cũng là lẽ bình thường".
Khán giả trẻ thờ ơ với phim sử Việt
Đằng sau những cơn sốt phim cổ trang Trung Quốc, nhìn lại phim sử Việt những năm qua không có sự khởi sắc. Gần đây là bộ phim chiếu rạp "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" được ra mắt vào năm 2016.
Tuy nhiên, sau khi ra mắt khán giả, bộ phim này đã vấp phải "cơn sóng" chê bai từ dư luận. Mặc dù được đầu tư cả chục tỉ đồng nhưng bộ phim vẫn bị khán giả chê bởi trang phục không thuần Việt, quá hiện đại, không phù hợp với dòng phim cổ. Chưa kể đến cốt phim lỏng lẻo, kém thú vị.
Trước đó, các bộ phim như "Lý Công Uẩn — Đường tới thành Thăng Long" hay "Thiên mệnh anh hùng", "Mỹ nhân"… cũng vấp phải nhiều sự phản ứng từ dư luận.
Lý giải vì sao phim sử Việt kém hấp dẫn khán giả, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: "Chúng ta phải phân biệt phim lịch sử và dã sử. Cả hai dòng phim này nằm trong nội hàm của cái gọi là phim cổ trang. Việt Nam cho đến nay vẫn còn chưa đủ lực để cho ra đời cả loạt phim cổ trang dù dưới dạng dã sử hay lịch sử chính luận.
Lý do thật dễ thấy: Chúng ta chưa có trường quay chuyên nghiệp. Khi chưa có trường quay, kinh phí sản xuất sẽ đội lên khủng khiếp. Tổng dự toán của phim khiến không phải nhà làm phim tư nhân nào cũng sẵn sàng, còn Nhà nước thì phải nâng lên đặt xuống rất nhiều.
Khi dòng phim này còn quá ít như thế, nó không gây hiệu ứng nào cả. Chưa kể, do bị chính khán giả xét nét về độ chính xác của sự kiện cũng như thực hư về hình ảnh,… khiến cho nếu một phim cổ trang của Việt Nam ra đời cũng lập tức gặp rào cản nhiều phía nên hiệu ứng khán giả kém đi. Điều này không xảy ra với phim cổ trang Trung Quốc.
Dù chính luận như "Vương triều Ung Chính", hài hước như "Tể tướng Lưu gù", hay các phim sến súa như ta thấy hiện nay thì nó vẫn thu hút nhiều tầng lớp người xem. Mỗi đẳng cấp, giới chức, độ tuổi lại có thể tìm thấy loại phim mình thích.
Tuy nhiên, mâm cỗ phải dầy đặn thịnh soạn mới có nhiều món để chọn. Với Việt Nam, các "món" của dòng phim cổ trang còn quá ít để chọn".