Câu hỏi dễ và niềm mong mỏi của tướng Giáp
Năm 2004, trở lại chiến trường xưa trong dịp 50 năm chiến thắng "chấn động địa cầu", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi những đồng đội đầu bạc, đầu xanh của mình câu hỏi mà ai cũng sẽ trả lời giống nhau: "Các đồng chí có tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ không?….
Điện Biên Phủ không chỉ là một trận đánh vĩ đại về quân sự, mà còn là chiến thắng rung chuyển của tinh thần đoàn kết dân tộc, của ý chí, của thế nước, tạo nên bước ngoặt lịch sử.
Tối qua, có thể nói, chiến thắng của tuyển Olympic Việt Nam tại đấu trường Asiad, giống như lời tướng Giáp, cũng đã làm nên một "Điện Biên Phủ nhỏ của lòng người, của tình yêu nước".
Sau khi những chàng trai áo đỏ thắp lửa trên tuyết trắng Thường Châu, một lần nữa những chiến binh áo trắng lại thổi bùng ngọn lửa hy vọng cho thể thao đất nước.
Tại sao lại bi quan?
Tối qua, trong khi hàng triệu người xuống đường, thì có những người ngồi lại và đặt câu hỏi: Chỉ là một trận bóng thôi mà, có gì phải ồn ào thế, có gì phải tự hào đến vậy khi đại đa số lĩnh vực khác của đất nước vẫn đang tụt hậu so với khu vực và thế giới?
Tôi tin rằng, không ít trong số người đặt câu hỏi ấy, có tình yêu thực sự với đất nước, vẫn đau đáu khát khao đất nước mình ngẩng đầu với thế giới.
Nếu không có sự lạc quan và tin tưởng, cái gì sẽ là động lực để phát triển đất nước?
Không thành trì nào có thể bền vững nếu được xây dựng trên nền móng của sự bi quan và chia rẽ.
Nếu chúng bi quan và chia rẽ, thì ngay cả bản quyền truyền hình Asiad cũng sẽ chỉ thứ đồ ăn cắp qua xoilac.tv. Sự chung tay của VOV, Vin, Viettel kết hợp với niềm mong mỏi thiết tha của hàng triệu người hâm mộ, đã dẫn lối để chúng ta không phải đói khát khi nhìn thấy thực đơn tinh thần hoàn hảo, mà không được cầm nắm.
Nếu đồng lòng và tin tưởng, không chỉ bản quyền World cup, bản quyền Asiad, mà ngay cả việc xây dựng những công trình kỷ lục cao thứ 8 thế giới — toà nhà Landmark 81 — người Việt cũng có thể hoàn thành mỹ mãn trong một thời gian thần tốc.
Khi người Việt không biết đặt niềm tin và hy vọng vào người Việt, đất nước sẽ tụt hậu mãi mãi.
Điều ấy có thể giải thích câu hỏi: Chỉ là một trận thắng của tuyển bóng đá, chỉ là một tấm HCV nhảy xa của Bùi Thị Thu Thảo, tại sao chúng ta phải lên đồng như vậy?
Một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, có lần đã nói với tôi: Lịch sử của Việt Nam, do ở cạnh người láng giềng khổng lồ, nên luôn phải đặt nhiệm vụ dựng nước và giữ nước lên hàng đầu.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đã có một nhận xét đầy trăn trở: "Việt Nam chưa có bất kỳ một công trình nhân tạo kỳ vĩ ở tầm thế giới và Việt Nam cũng chưa bao giờ có được thời kỳ phát triển rực rỡ cả".
Ở trong tâm thế ấy, nên chiến thắng của đội tuyển bóng đá, đội tuyển Olympic toán, vật lý, robocom; chiến thắng đỉnh cao của Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Thu Thảo…không chỉ là một trận bóng, một cuộc đấu đơn thuần.
Đó chính là điểm bùng nổ trong khát vọng chinh phục thế giới, khát khao bước ra khỏi ao làng trên nhiều lĩnh vực. Khát vọng mà cả ngàn năm trước, do cả khách quan và chủ quan, chúng ta chưa làm được.
Nếu ai đó so sánh kiểu: Giá trị một chiếc HCV Olympic, Asiad làm sao sánh được với tầm vóc một công trình nghiên cứu nổi tiếng thế giới, với một dự án đồ sộ, xin hãy nghĩ lại.
Nếu chiếc HCV châu lục và thế giới dễ đạt được thế, thì tại sao cả một đất nước, vật vã mấy chục năm, tốn biết bao tiền của tập luyện, thi đấu, vẫn không thể giành được?
Phía sau một trận thắng, một màu huy chương là nước mắt (kể cả máu), là sự hy sinh rất nhiều năm tháng tuổi trẻ với một ý chí khủng khiếp của vận động viên và cả nỗi lao tâm khổ tứ, sự ngóng đợi bền bỉ của cả một dân tộc.
Iceland chỉ có 330.000 dân, nhưng họ đã có đội tuyển lần đầu được tham dự World Cup 2018. Người dân băng đảo coi đó là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của họ.
Đã là kỳ tích, thì thể thao hay khoa học, văn chương, hội họa đều vị thế xứng đáng trong lòng người, đều chắp cánh cho đất nước.
Chúng ta lên đồng sau chiến thắng vì ai cũng nhìn thấy phía sau kỳ tích ấy chính là kỳ vọng, là bản lĩnh, là khả năng, tiềm năng lớn lao của một dân tộc. Người Do Thái vốn không có cả tấc đất cắm dùi, nhờ đoàn kết và sự thông minh, vẫn xây dựng được cường quốc Israel, khiến thế giới ngả mũ.
Đội bóng yếu hơn, đã biết dùng cái đầu và đôi chân để chiến thắng đội mạnh hơn. Một đất nước biết nối vòng tay lớn và tập hợp trí tuệ, thì dù đang ở vùng trũng phát triển, vẫn có thể tạo ra kỳ tích.
Quả vậy, chúng ta đang có những "Park Hang Seo về nhiều lĩnh vực" và cũng đã bắt đầu tạo ra những "Điện Biên Phủ nhỏ" ở nhiều lĩnh vực.
Đó là những Phạm Nhật Vượng — người đang và sẽ dẫn dắt, truyền cảm hứng cho những trận đấu lớn về văn minh đô thị, nghỉ dưỡng, nông sản sạch, ô tô, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo; Đó là Nguyễn Thị Phương Thảo, người nối dài cánh bay Việt Nam ra thế giới; Đó là Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, người kiến tạo thuật toán đam mê khoa học cho người trẻ…
Hỡi những người bi quan, dẫu biết rằng chúng ta còn rất nhiều "Điện Biên Phủ lớn nhỏ khác" phải toàn thắng, không riêng gì bóng đá, nhưng đừng thở dài nữa mà hãy xuống đường.
Sau thế chiến II, Đức và Nhật đã tái thiết đất nước hoang tàn bằng nội lực, niềm tin và hy vọng mới.
Nếu chỉ biết thở dài, chán nản và sợ hãi, làm sao các cầu thủ tuyệt vời của chúng ta có thể tận hiến và tạo nên địa chấn đến như vậy?