Sáng 30/8, phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái và Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí — PVTEX (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) kết thúc phần đối đáp.
'Tôi không có ý thức nhận hối lộ'
Là người đầu tiên nói lời sau cùng tại tòa, Trần Trung Chí Hiếu (cựu Chủ tịch PVTEX) trần tình rằng những việc ông ta làm như trong cáo trạng quy kết, chỉ là đồng ý về mặt chủ trương theo điều lệ của đơn vị.
Bị cáo 55 tuổi cho rằng suốt quá trình xảy ra vụ việc gây thất thoát, bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc — PVC.KBC) đã không trao đổi về việc góp vốn.
Theo trình bày của ông Hiếu, trong dự án nhà ở cho công nhân PVTEX, bản thân ông này chỉ đồng ý về mặt chủ trương cho tạm ứng. Còn việc quản lý tiền thuộc trách nhiệm của Ban điều hành đơn vị.
"Tôi không có ý thức nhận hối lộ của bị cáo Hồng, mong HĐXX cho hưởng khoan hồng để tôi sớm được trở về", cựu Chủ tịch PVTEX giãi bày.
Tiếp đó, bị cáo Hồng bước đến bục khai báo. Trong phần trình bày lời nói sau cùng ngắn gọn, ông ta chỉ mong tòa xem xét khách quan các lời khai của bản thân tại tòa để đánh giá đúng bản chất vụ án. Cựu Chủ tịch PVC.KBC cũng mong muốn được hưởng khoan hồng.
Bị cáo Vũ Phương Nam (cựu Kế toán trưởng PVTEX) đã nhận tội khi nói lời sau cùng. Ngoài ra, ông Nam nói rằng bản thân sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ đó, người này mong tòa tuyên nhẹ tội để nhanh chóng trở về chăm sóc người thân.
Công ty của Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm?
Trước đó, khi đối đáp với đại diện VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho Trần Trung Chí Hiếu) cho rằng PVTEX là đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Các dự án của PVTEX đã được PVN đồng ý về mặt chủ trương, trong đó có dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.
"Lựa chọn nhà thầu theo đúng chỉ đạo, rằng đó phải là một công ty thuộc PVN có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án nhà ở", luật sư phân tích và cho rằng việc mời Tổng công ty CP xây lắp dầu khí — PVC (do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch) tham gia dự án là đúng quy định.
Theo người bào chữa, PVC sau đó đã giới thiệu 2 đơn vị thành viên là PVC.KBC và HEERIM.PVC để tham gia dự án. Do đó, PVC phải biết rõ về năng lực, kinh nghiệm của 2 công ty này.
"Chúng tôi cho rằng chính PVC cũng phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư là PVTEX với tư cách là đơn vị giới thiệu, giám sát và chỉ đạo quá trình thực hiện hợp đồng", luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Đại diện VKS: Các bị cáo đã cố ý làm trái và nhận hối lộ
Đối đáp với nhóm luật sư, kiểm sát viên tái khẳng định cơ quan công tố có đủ căn cứ về truy tố hành vi cố ý làm trái khi tạm ứng 20 tỷ đồng, sau đó gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ.
"Việc quyết định cho nhà thầu tạm ứng 20 tỷ đã vượt quá 80% so với quy định về tạm ứng trong Nghị định 48", nữ kiểm sát viên đối đáp.
Qua nghiên cứu hồ sơ, cơ quan công tố xác định Đỗ Văn Hồng đã đóng hộ tiền cho Duy và Hiếu thông qua 2 người đại diện vốn, sau đó thoái vốn khỏi PVTEX Kinh Bắc. Từ đó, Duy và Hiếu có cơ sở để nhận hối lộ.
Do đó, đại diện VKS khẳng định tội danh nhận hối lộ là hoàn toàn có căn cứ, cho dù bị can Vũ Đình Duy đã bỏ trốn. Từ các lập luận trên, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo.
Trước đó, khi luận tội, VKS đề nghị bị cáo Hiếu 12-13 năm tù về tội Cố ý làm trái, 15-16 năm tù tội Nhận hối lộ; tổng hình phạt đề nghị 27-29 năm tù.
Đại diện cơ quan công tố đề nghị bị cáo Đào Ngọ Hoàng 9-11 năm tù; Vũ Phương Nam 8-10 năm tù; Đỗ Văn Hồng 10-11 năm tù về tội Cố ý làm trái.
Theo cáo trạng, năm 2009, khi triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân PVTEX với tổng mức đầu tư gần 320 tỷ đồng, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX, đang bị truy nã) đã ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực. 2 người này còn tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công trái với hồ sơ phê duyệt của thành phố Hải Phòng.
Khi tạm ứng 20 tỷ đồng cho dự án, 5 cựu lãnh đạo PVTEX đã cố ý làm trái, chi tiền sai quy định gây thiệt hại hơn 19 tỷ đồng ngân sách.
Ngoài ra, năm 2010, Duy, Hiếu và Đỗ Văn Hồng liên kết thành lập công ty CP PVTEX Kinh Bắc. Sau đó, 2 bị can Duy và Hiếu đã buộc Hồng đưa 6 tỷ đồng từ việc thành lập công ty này để hưởng lợi mỗi cá nhân 3 tỷ.