HLV Toshiya Miura từng nói: "Tôi không biết tiếng Việt. Tôi không thể đọc được tiếng Việt Nam. Nên tôi không rõ báo chí hay mọi người viết gì về mình". Cầu thủ Nguyễn Quang Hải từng một lần chia sẻ: "Tôi rất ít khi đọc những gì mà người ta nói về mình. Ngay cả khi thi đấu hay không thi đấu".
"Ông ý vẫn tươi cười khi Việt Nam đang thua 1-3 trước Hàn Quốc. Ông ý vẫn đặt Hàn Quốc trên Việt Nam", "Có điều gì không ổn ở đây! Một đội hình như xác định thua từ đầu của ông Park",… rất rất nhiều những lời lẽ cay độc dành cho nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Rất may, ông Park không biết tiếng Việt. Ông cũng không quá rành rọt tiếng Anh. Trợ lý ngôn ngữ của ông, Lê Huy Khoa là người biết sàng lọc ra những điều cần thiết và ý nghĩa để dịch. Cũng nhờ vậy, ông Park — người sắp bước sang tuổi 60 đỡ phải trăn trở về những điều đầy vô lý.
Ngay cả khi thua Hàn Quốc, Olympic Việt Nam vẫn mang đến một niềm vui cho người hâm mộ, với bàn thắng danh dự nức lòng của Minh Vương.
Nhưng có lẽ ông đã… sai. Bởi ông đã mang lại cho người hâm mộ cảm giác chiến thắng và phá vỡ cột mốc lịch sử một cách quá quen thuộc. Để rồi khi phải trở lại đối diện với thực tế, một trận thua không đến nỗi nào trước đối thủ đầy đẳng cấp vẫn khiến cho một bộ phân cổ động viên thắng quen đến lúc thua thì không chịu được. Và những lời lẽ cay độc, thuyết âm mưu bỗng chốc trỗi dậy sau trận đấu ấy.
Không có điều gì là tồn tại mãi mãi. Đội bóng bất khả chiến bại rồi cũng sẽ đến lúc chiến bại. Ông Park không phải là một thánh nhân để giúp Việt Nam thắng hết địch thủ này đến địch thủ khác. Những gì mà ông Park làm được lúc này đã là vượt qua tầm cỡ trình độ của bóng đá Việt Nam rất nhiều.
Cảm ơn và xin lỗi ông, Park Hang-seo!