Iran và Iraq loại trừ đồng đô la trong giao thương giữa hai nước.
Ảnh hưởng của đồng tiền quan trọng thứ ba trong rổ tiền tệ quỹ IMF — Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) - đang tăng lên. Trên sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc bắt đầu mua bán dầu mỏ theo hợp đồng tương lai bằng CNY, đây sẽ là một bước quan trọng để lật đổ đồng đô la — dầu lửa. Điều này làm tăng thêm sự quan tâm của các nước Trung Đông đến đồng tiền Trung Quốc. Các nền kinh tế lớn ở châu Phi ngày càng có yêu cầu cao về CNY.
Đồng Nhân dân tệ cũng đã đến Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây công bố trên trang web của mình cho biết các thương gia, cư dân, ngân hàng và tổ chức tham gia hoạt động thương mại xuyên biên giới với Trung Quốc sẽ được quyền sử dụng Nhân dân tệ từ ngày 12 tháng Mười trong giao dịch. Trên thực tế, ở các tỉnh biên giới Việt Nam, đồng nhân dân tệ đã được sử dụng trong thanh toán từ lâu, và bây giờ chính quyền chỉ đơn giản là hợp pháp hoá quá trình này. Nhiều nhà kinh tế xem quyết định này như một nỗ lực để giảm thiểu rủi ro tiền tệ trong thực tiễn giao dịch hiện tại, cũng như thuận tiện hơn cho các công ty Việt Nam khi giao thương với Trung Quốc.
"Việc này có cả hai mặt tích cực và tiêu cực", ông Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Nghiên cứu Viễn Đông nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. — Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng nhân dân tệ làm giảm thiểu những rủi ro của việc Hoa Kỳ cấm Trung Quốc sử dụng tài khoản tại các ngân hàng Mỹ trong hoạt động thương mại với các quốc gia khác. Điều này cũng làm đơn giản hóa giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, và do đó, góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch buôn bán giữa hai nước.
Giao dịch xuyên biên giới chiếm ít nhất 30% giá trị thương mại Việt — Trung, trong năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD. Theo số liệu của Việt Nam, hai nước đã giao thương 66 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, do đó đến cuối năm sẽ vượt xa con số 100 tỷ USD. Và đây là một phần tư tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Thương mại phát triển, và thâm hụt của Việt Nam với Trung Quốc đang gia tăng, và do đó, gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Điều này không thể không gây lo lắng cho lãnh đạo Việt Nam. Một lý do khác dẫn đến quan ngại là dòng chảy của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ vào thị trường Việt Nam, như là kết quả của cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ", chuyên gia Nga nhận xét.