Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2018 có thể đạt và vượt 12 chỉ tiêu kinh tế —xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã được Quốc hội giao hồi đầu năm. Vấn đề đặt ra là lựa chọn những giải pháp để chỉ tiêu tăng trưởng có thể đạt được cả về lượng và chất.
Nhìn lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng qua, có thể thấy, điều đáng mừng là các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển tốt và là một tiền đề vững chắc cho tăng trưởng 4 tháng còn lại của năm.
Tuy nhiên, năm nay là một năm thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, bất thường. Mưa lũ phá hủy kết cấu hạ tầng ở nhiều địa phương, gây tổn thất lớn về người và của, nhưng phản ứng của các địa phương còn chậm. Đáng chú ý là theo đánh giá của lãnh đạo Chính phủ thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này không chỉ đến từ những yếu tố khách quan bên ngoài, mà còn từ những vướng mắc nội tại của nền kinh tế.
Ở bên ngoài, kinh tế thế giới liên tiếp có biến động, những tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang khiến kinh tế toàn cầu chao đảo. Cùng với đó là biến động tỷ giá của những đồng tiền có giá trị thanh toán lớn đang dồn các nước như Việt Nam vào tình thế khó khăn trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, điều phối nhập khẩu và kiềm chế lạm phát. Tác động thấy rõ là thị trường chứng khoán có nhiều biến động, khối ngoại tháo vốn nhiều. Các quốc gia xung quanh chúng ta cũng đang cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mong giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.
Ở trong nước, dù Chính phủ đã có hạn định cụ thể để các Bộ ngành cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, không phải hoạt động cắt giảm nào cũng thực chất. Và nhìn từ vụ việc của doanh nghiệp Con Cưng mới đây thì có thể thấy, chưa phải cắt giảm điều kiện trên giấy tờ đã thực sự giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi nếu như tinh thần đó chưa đến được với cơ quan chức năng ở các địa phương.
Đánh giá thực tế tình hình, Thủ tướng khẳng định có thể 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn diện. Theo đó GDP sẽ đạt trên 6,7%; thu ngân sách vượt dự toán từ 3 đến 5%; xuất nhập khẩu, nhất là xuất siêu vượt mục tiêu; lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Có thể thấy đây là một khẳng định có cơ sở, khi mà NHNN cho biết, đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Điều đó cũng có nghĩa là sức ép nợ xấu lên nền kinh tế đã giảm. Tuy nhiên, trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước lớn hơn, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, việc tăng thêm 1% GDP rất khó khăn. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để đạt, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó cần đặc biệt chú trọng thực hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để khối doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp dân doanh, có điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.