Tuy nhiên tiềm năng hợp tác thương mại-kinh tế và đầu tư vẫn còn chưa được khai thác triệt để. Viễn Đông có thể trở thành một điểm tựa để tăng cường tương tác kinh tế giữa Nga và ASEAN, hơn nữa, trong khu vực đã tạo lập được điều kiện thuận lợi dành cho đầu tư nước ngoài. Ở Viễn Đông đã triển khai hàng loạt đề án với sự tham gia của các nước ASEAN trong cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và đóng tàu. Các lĩnh vực có triển vọng thực hiện dự án chung là năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ hợp công-nông nghiệp, chế tạo máy và công nghệ, tổ hợp lâm nghiệp. Ngoài ra, tính đến đề tài ưu tiên của chủ đề chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số cho Nga và các nước ASEAN, điều quan trọng là chú ý phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin-viễn thông, truyền thông, bảo vệ thông tin.
Tại "Đối thoại kinh doanh Nga-ASEAN" trong khuôn khổ EEF, người đầu tiên được mời giải đáp những câu hỏi hóc búa trên là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư Việt Nam.
Ngỏ lời cám ơn Chính phủ LB Nga đã mời Bộ trưởng và phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Đông lần thứ 4 tại thành phố Vladivostok xinh đẹp và hiếu khách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định rằng "Cuộc Đối thoại kinh doanh Nga — ASEAN hôm nay là cơ hội tốt để trao đổi những vấn đề cùng quan tâm nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại giữa LB Nga và các nước ASEAN" mà Việt Nam là một thành viên tích cực và tiêu biểu.
Trên lãnh thổ LB Nga, — như Bộ trưởng cho biết, đã có 23 dự án của Việt Nam đăng ký hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 2,9 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, trung tâm thương mại, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa… Tập đoàn viễn thông lớn nhất của Việt Nam là Viettel cũng chọn Nga làm điểm đến cho hoạt động sản xuất các loại thiết bị viễn thông, quốc phòng và tiến hành các hoạt động nghiên cứu về công nghệ. Đặc biệt, tại tỉnh Primorye thuộc vùng Viễn Đông đã có dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn "TH True Milk" với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD.
"Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy hoạt động đầu tư sang các địa bàn truyền thống hữu nghị tốt đẹp lâu đời với đất nước chúng tôi như Nga và ASEAN", — Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố.
Nga và ASEAN đều là những địa bàn có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương/đa phương về thương mại và đầu tư, tạo nền tảng tự do và thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh. Với việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Liên minh kinh tế Á — Âu ký Hiệp định thương mại tự do, có hiệu lực từ 5/10/2016, có đầy đủ cơ sở để kỳ vọng rằng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa LB Nga và Việt Nam nói riêng, giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chuyến thăm đạt kết quả tốt đẹp của Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Nga mới đây đã góp phần củng cố mối quan hệ chính trị tin cậy, tăng cường gắn bó chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, thúc đẩy việc thực hiện hàng loạt dự án liên doanh góp phần hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên đều khẳng định quyết tâm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thông tin và viễn thông…
"Đối với nhân dân Việt Nam, nước Nga luôn là người bạn chân thành, thân thiết, tin cậy, thủy chung, trong sáng và tình cảm đó không bao giờ thay đổi đã được vun đắp qua bao nhiêu thế hệ. Việt Nam không bao giờ quên sự giúp chí tình của Liên Xô trước đây và nước Nga vĩ đại ngày nay. Rất nhiều sinh viên và lưu học sinh Việt Nam đã học tập, nghiên cứu tại Nga, trong số đó, nhiều người đã trở thành lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước của Việt Nam hoặc trở thành những người chủ của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam như: tập đoàn Vingroup, Sungroup, Eurowindow, Techcombank, Vietjet Air… Đây là những tài sản vô giá, là cầu nối quan trọng đặc biệt, góp phần phát triển gắn bó lâu dài và bền vững trong mối quan hệ giữa hai nước".
Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, Bộ trưởng tin tưởng rằng xu hướng đầu tư sang Nga nói chung và sang vùng Viễn Đông nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Từ đó, chắc chắn Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ Nga mở rộng quan hệ hợp tác với Cộng đồng kinh tế ASEAN — một thị trường thống nhất, năng động với trên 600 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.
Nhà lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư của Việt Nam nói với Sputnik: Hiện nay, sự quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Viễn Đông là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp đóng tàu, khai thác khoáng sản, khai thác gỗ, chế biến sữa, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, viễn thông,..".
Thực tế đó là cơ sở để Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hứa rằng:
"Tôi sẽ thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng người Việt và doanh nhân Việt Nam đang làm ăn sinh sống tại nước ngoài và tại LB Nga về tiềm năng và cơ hội to lớn của vùng Viễn Đông. Tôi cũng rất kỳ vọng và tin tưởng về làn sóng đầu tư của Việt Nam sang LB Nga nói chung và Vùng Viễn Đông nói riêng trong thời gian tới".