Được mệnh danh là ông bầu hoa hậu, biết hết chuyện trong giới, nhà thiết kế Việt Hùng trò chuyện xoay quanh chuyện các người đẹp hoa hậu, á hậu, hoa khôi… các cuộc thi ao làng đang dính nhiều bê bối, gây bức xúc trong dư luận.
Cô nào "có mùi", tôi gạch tên ngay
- Theo anh, ở Việt Nam có những cuộc thi nhan sắc nào uy tín?
— Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này vì tôi nghĩ mình không có cơ sở để trả lời chính xác.
- Là người đào tạo, huấn luyện thí sinh hoa hậu nhiều năm, anh có dính tin đồn là tú ông, người môi giới?
Nhiều lắm. Ai hỏi tôi có môi giới không, tôi bảo nếu đạt được những tiêu chuẩn của tôi thì tôi sẽ môi giới. Ví dụ, có những người môi giới chỉ cần tiền triệu, vài trăm USD, nhưng tôi bảo trả được chừng 1 tỷ hoặc 2 tỷ thì tôi mới làm. Và nói thật, ở Việt Nam chẳng có đại gia nào trả được mức giá đó cả, nên tôi cũng chẳng cần làm việc này.
- Nhưng những đường dân bán dâm nghìn USD vẫn đang diễn ra đó thôi?
— Không có chuyện đó đâu. Đại gia họ cũng làm kinh tế khó khăn lắm, đâu có dễ dàng mà họ bỏ tiền ra như vậy. Lâu lâu cũng có trường hợp bỏ ra nhiều tiền nhưng chỉ là cá biệt thôi.
Chứ ở trong giới lâu năm, mức giá cao nhất tôi nghe đồn cũng chỉ là vài nghìn USD, còn đi sex tour này nọ cũng có giá cao nhưng không một ai có thể tự đi tự về cả. Đều có đường dây chăn dắt cả và phải chia tiền cho má mì, quản lý, cấp trên của quản lý…
Trong giới, tôi phân biệt rất rõ giữa người làm nghệ thuật thật và người làm nghệ thuật giả.
Chỉ cần thấy cô nào "có mùi" là tôi gạch tên khỏi danh sách hợp tác với mình.
Các cuộc thi ao làng không tồn tại lâu vì quy luật đào thải
- Theo anh, vì sao có quá nhiều cuộc thi "ao làng" tổ chức chỉ vài năm rồi lặn không sủi tăm?
- Đó là do quy luật đào thải. Nếu bạn tạo ra một cuộc thi nghiêm túc thì người ta đua nhau đến, còn nếu cuộc thi không nghiêm túc thì người ta không đồng hành nữa, cuộc thi sẽ chết yểu thôi.
- Nhiều người cũng ngầm hiểu là mục đích của các cuộc thi ao làng này chẳng phải hướng tới sắc đẹp hay tính thiện gì cả?
- Trong xã hội nào cũng vậy, có cung ắt có cầu. Với thị trường chuộng hoa hậu như Việt Nam mình, điều đó là tất yếu. Tôi không nghĩ chất lượng thí sinh các cuộc đó không cao mà nếu là thí sinh chất lượng cao, họ biết chọn và có người định hướng cho họ đến với sân chơi phù hợp với khả năng của họ.
Số còn lại cũng sàng lọc như giáo dục vậy, không đậu vào đại học, họ có thể học cao đẳng, trung cấp hoặc tệ hơn học một trường nào đó không yêu cầu đầu vào, đôi khi chỉ gắn cho mình cái mác sinh viên để vượt qua định kiến xã hội hay sử dụng vào việc gì không phải ai cũng hiểu hoặc tiêu cực hơn là hợp thức hoá bằng văn bằng giả.
- Nhưng dù có theo quy luật cung cầu đi chăng nữa thì việc nhiều người đẹp có danh hiệu hoa hậu, á hậu, hoa khôi… dính bê bối khiến danh hiệu bị vấy bẩn, khiến công chúng có ác cảm. Theo anh, phải làm gì để thay đổi tình trạng này?
Tôi nghĩ để thay đổi thì phải chọn một cô gái thông minh, có học thức, có nền tảng đạo đức tốt… cho các danh hiệu. Có như vậy, sự tha hoá bởi những cám dỗ khó hơn và chậm hơn hoặc nếu có họ cũng biết cách xử lý văn minh và ít phản cảm hơn trong xã hội.
- Dù sao, anh vẫn là một phần của guồng máy thi sắc đẹp ở Việt Nam. Anh có sợ người đời nhìn vào và nghĩ mình cũng không trong sạch?
— Tôi không sợ gì cả vì tôi làm nghề này suốt đời. Tôi còn cả đời để chứng minh mình sạch hay bẩn. Nếu tôi làm điều gì bẩn thỉu, tôi đâu dám nói những lời này.
Không lẽ sau này có chuyện gì thì tự tôi vả vào mặt mình à? Tôi là người làm nghệ thuật chân chính, chỉ những ai cũng làm chân chính thì tôi mới hợp tác. Và tôi có khả năng cảm nhận được ai "có mùi", vì người đó từ cử chỉ, tác phong, giao tiếp… đều không có đẳng cấp.
- Anh có thể ước lượng tỷ lệ các cô gái "có mùi" trong showbiz như anh vừa nhắc ở trên?
— Khoảng quá nửa người đẹp showbiz Việt là "có mùi", làm nghệ thuật giả.