Các khoa học xã hội vẫn chưa đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là đối tác. Rõ ràng, đây không phải là liên minh quân sự chống lại một nước thứ ba. Chúng ta đang nói về sự thỏa thuận giữa hai nước duy trì sự hợp tác gần gũi nhất có thể trong các lĩnh vực khác nhau, trao đổi các chuyến thăm, kể cả ở mức độ cao nhất.
Quan hệ đối tác có nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và Ấn Độ, có quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn về hòa bình và thịnh vượng ở châu Á với Nhật Bản, hay quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.
Sẽ là hợp lý để giả định rằng mỗi khái niệm mang một ngữ nghĩa nhất định. Người ta cho rằng quan hệ đối tác chiến lược có mức độ tin tưởng và liên hệ lẫn nhau lớn hơn mối quan hệ toàn diện. Nhưng trong thực tế, điều này không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy. Tôi cho rằng có vẻ như ngày nay Việt Nam có nhiều mối liên hệ với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự hơn là với Nhật Bản, và trong thương mại và kinh tế thì với Hoa Kỳ lớn hơn so với Nga.
Nếu lấy thực tế trên toàn thế giới, thì có thể lưu ý là các thỏa thuận đối tác (chiến lược hoặc toàn diện) trong thế kỷ 21 để thay thế các hiệp ước trước đây về hữu nghị và hợp tác, ví dụ như Liên Xô đã ký kết nhiều hiệp ước loại này. Từ "tình hữu nghị" bắt đầu được sử dụng ít thường xuyên hơn, nhưng suy nghĩ của những người thiết lập mối quan hệ đối tác vẫn thế: làm cho quan hệ song phương không thể đảo ngược, không đối đầu, thân thiện.
Thiết lập quan hệ đối tác đối với ngoại giao Việt Nam là một hình thức thực hiện chính sách đa phương — một trong những nguyên tắc chính của chính sách đối ngoại Việt Nam. Và cũng tương ứng với câu nói cổ điển của người Việt "Thêm bạn, bớt thù".
Với số lượng các thỏa thuận đối tác, Việt Nam có lẽ là quốc gia đi trước tất cả các nước hiện nay. Và đây là một thành tích tuyệt vời của ngoại giao Việt Nam.