Việc thực hiện dự án quy mô lớn này sẽ không chỉ hình thành một hệ thống giao thông bền vững, tăng cường cơ sở vật chất hậu cần hiện đại, đảm bảo ổn định quan hệ thương mại, mà còn tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp và phát triển quan hệ nhân văn giữa các quốc gia trên lục địa Á-Âu.
Tháng 5 năm 2017, trong một diễn đàn ở Bắc Kinh, đại diện 68 quốc gia và tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận với Trung Quốc về hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Thoạt nhìn, sáng kiến mới của Bắc Kinh cần phải hấp dẫn trong con mắt người dân ở các nước mà nó tiếp cận. Chuyên gia tài chính Khor Yu Leng làm việc tại Malaysia cho rằng "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và tài trợ tại các nước chủ chốt ở châu Á, bao gồm cả việc xây dựng đường sắt, bến cảng, khu công nghiệp, các nhà máy điện (nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mặt trời) và đường dây điện, đường cao tốc, sân bay và xây dựng nhà ở."
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ý kiến lo ngại về sáng kiến "Một vành đai, một chiều" ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các nước châu Á. Điều đầu tiên gây ra sự phản đối trong dự án của Trung Quốc là mức giá được nâng lên quá cao. Bắc Kinh chưa sẵn sàng cung cấp tài chính cho toàn bộ công trình. Một phần chi phí quan trọng phải do chính quyền địa phương đảm nhiệm. Trong thực tế, điều này có nghĩa là một số chính phủ châu Á sẽ phải mang nợ. Người đầu tiên lên tiếng báo động về đề tài này là Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, ông Mahathir Mohamad đã công khai nêu vấn đề này. Theo chính phủ Malaysia, phía Trung Quốc đã phóng đại dự toán xây dựng tuyến đường sắt cao tốc East Coast Rail Link. Các nhà chức trách Lào, nơi Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, cũng có tuyên bố tương tự. Chính quyền Myanmar cũng cho rằng chi phí của dự án xây dựng cảng Kyauk Pyu cần phải giảm từ 7,3 tỷ USD xuống còn 1,3 tỷ USD.
Điều thứ hai khiến công chúng ở các nước châu Á lo lắng là dòng chảy người lao động Trung Quốc tràn vào các nước này làm việc tại các cơ sở "Một vành đai, một con đường". Chẳng hạn, Malaysia lo sợ rằng sau khi thực hiện dự án Forest City ở bang Johor, 15% dân số ở đây sẽ là người Trung Quốc. Campuchia cũng có những lo ngại tương tự, liên quan với việc Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng cảng biển và cảng hàng không Koh Kong quy mô lớn. Ở đất nước nhỏ bé này, người ta sợ rằng khi trung tâm giao thông nêu trên được xây dựng, số lượng khách du lịch đến Campuchia sẽ tăng lên 10 triệu người/năm, hầu hết trong số đó sẽ là người Trung Quốc.
Tôi không có lý do gì để cho rằng cướp bóc các dân tộc châu Á hoặc thôn tính các nước láng giềng là một phần trong kế hoạch của Đảng và ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc hiện tại. Nhưng các doanh nghiệp tư nhân có luật riêng của họ — điều quan trọng nhất là phải làm giàu. Ngoài ra, không ai phủ nhận rằng ở Trung Quốc có những lực lượng đang sử dụng sự bành trướng nhân khẩu học cho mục đích riêng của họ. Người nhập cư Trung Quốc hay còn gọi là Hoa kiều thường trở thành công cụ trong các hành động chính trị và kinh tế của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Chắc là ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải loại bỏ những quan ngại trong dư luận châu Á và chứng minh rằng họ đang theo đuổi một chính sách láng giềng thân thiện.