Theo Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017, vừa được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố, chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm.
Tại phiên họp toàn thể thứ bảy của Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 25/9, bà Hoàng Thị Hoa — Phó chủ nhiệm Ủy ban này — cho rằng mức chiết khấu trên khá cao, chưa thật phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn việc chi trả của học sinh.
Trong khi đó, bà Tô Thị Bích Châu, đoàn đại biểu TP.HCM, đặt câu hỏi 250 tỷ đồng chiết khấu hàng năm thực chất như thế nào, phục vụ cho việc gì?
Bất cập SGK qua các con số 40 — 150 — 250 tỷ đồng
Theo báo cáo trên, dư luận rất băn khoăn, cho rằng Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo xuất bản, in và phát hành SGK, đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả khâu của quy trình. Điều này không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK.
Việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng SGK phổ thông đã in, phát hành giai đoạn 2012-2017 tương đối ổn định (trên 100 triệu bản/năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Công nghệ Giáo dục, số này chiếm đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
"Việc phát hành SGK giáo dục phổ thông được thực hiện chủ yếu qua hệ thống nội bộ, khép kín của NXB Giáo dục Việt Nam. Hệ thống phát hành SGK giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Trước đó, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định kết quả kinh doanh mảng SGK của đơn vị này liên tục lỗ hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ 43,3 tỷ và năm ngoái lỗ 38,14 tỷ đồng.
Chỉ riêng năm 2017, doanh thu từ SGK chiếm 60% tổng doanh thu. Các mảng đầu tư, kinh doanh khác mang lại 40% doanh thu.
Theo Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm 2017 của NXB Giáo dục Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù bù lỗ 40 tỷ đồng/năm cho SGK, đơn vị này vẫn đạt 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Như vậy, số tiền chiết khấu không chỉ lớn hơn nhiều so với mức lỗ từ mảng SGK mà còn gấp gần 1,7 lần tổng lợi nhuận của đơn vị này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao NXB Giáo dục Việt Nam chấp nhận lỗ đến gần 40 tỷ đồng vẫn chiết khấu đến 250 tỷ đồng cho việc phát hành SGK?
Tại sao phải chiết khấu "khủng", lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm, NXB vẫn "ôm" mảng SGK này với số lượng phát hành lớn?
Lợi nhuận "khủng" từ sách VNEN và Công nghệ Giáo dục
Ngoài SGK, NXB Giáo dục Việt Nam còn phát hành sách tham khảo, sách VNEN (theo mô hình trường học mới) và tài liệu Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục.
Bà Hoàng Thị Hoa cho biết giá bán bộ sách VNEN cao gấp 4 lần SGK giáo dục phổ thông năm 2000 (lớp 3 và lớp 4); gấp 3 lần đối với các sách lớp 5, 6, 7. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn, phụ huynh phải chi số tiền lớn mua sách hướng dẫn và các môn còn thiếu của SGK năm 2000.
Tuy là sách thí điểm, hàng năm, sản lượng in, phát hành sách VNEN và sách Công nghệ Giáo dục tăng đột biến. Năm 2017, sản lượng in, phát hành tài liệu này là trên 5 triệu bản, tăng gấp 13 lần so với năm 2012. Sách VNEN là trên 10 triệu bản, tăng gấp 5 lần so với năm 2014.
Doanh thu từ sách VNEN năm 2017 đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ SGK năm 2000.
Hai loại sách này được NXB Giáo dục Việt Nam chỉnh sửa, thay hàng năm, không tái sử dụng lại, gây lãng phí.
Khác với SGK, sách VNEN và Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục không được bán trên thị trường mà được phân phối độc quyền bởi các công ty con và công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam thông qua sở, phòng GD&ĐT, trường tiểu học, THCS trên cơ sở rà soát nhu cầu sử dụng các bộ sách này hàng năm.