Phát biểu trước Tiểu ban về Dịch vụ Tài chính và Thương mại thuộc Ủy ban nghị viện, Billingslea tuyên bố rằng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đang lựa chọn những lối tiếp cận khác nhau để áp đặt trừng phạt các nước khác nhau, trong đó có Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.
"Nga không giống các nước khác trong diện áp dụng biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ ở một số thứ quan trọng <…> Ví dụ, chúng ta không thể đương đầu với sự gây hấn của Nga nếu cứ dùng phương pháp tương tự như ta áp dụng với Bắc Triều Tiên hay Iran. Nga có nền kinh tế quy mô, hơn nữa hội nhập tích hợp tốt vào nền kinh tế thế giới, vào hệ thống tài chính quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trái lại, Bắc Triều Tiên và Iran ở mức độ đáng kể hoặc toàn bộ đã bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế trong vòng nhiều thập niên", — viên Trợ lý Bộ trưởng nhận xét.
Marshall Billingslea nói rõ rằng kể từ tháng 1 năm 2017, chính quyền Hoa Kỳ đã áp đặt trừng phạt chống lại 232 cá nhân và pháp nhân từ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, ông Alexandr Shatilov Chủ nhiệm Khoa Xã hội học và Chính trị học của ĐHTH Tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga đã cho nhận xét về tuyên bố của Billingslea.
"Hoa Kỳ dồn quan tâm vào yếu tố kinh tế. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, ngoài một nền kinh tế đủ đa phương và đa diện, Nga còn có ảnh hưởng chính trị và sức mạnh trên thế giới, điều mà Washington không thể không tính đến trong hoạt động trừng phạt đầy tham vọng của họ. Nga là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thành viên chính thức của "Câu lạc bộ hạt nhân" và sở hữu uy tín cùng tầm ảnh hưởng đáng kể về văn hóa, tư tưởng và chính trị trên thế giới. Matxcơva có đội ngũ đồng minh đủ rộng và đội ngũ đối tác còn rộng hơn gồm những đất nước thuộc về phương Tây và có cả các nước là thành viên NATO. Tất cả những điều này không cho phép Hoa Kỳ hành động hung hăng mà không bị đáp trả, như chuyện đang diễn ra với trường hợp Bắc Triều Tiên và Iran", — ông Alexandr Shatilov phân tích.
"Iran và Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục vững vàng trước đòn tấn công, chứ chưa nói về nước Nga, quốc gia với những tiềm lực cao hơn nhiều về chính trị, kinh tế, năng lượng và tài nguyên. Đây là thực tế dễ thấy. Thật kỳ quặc khi Hoa Kỳ dấy lên cuộc chiến trừng phạt mà không đánh giá đúng khả năng của Nga và thế hùng mạnh của Matxcơva trên vũ đài. Mộng tưởng của Hoa Kỳ — đẩy nước Nga vào thảm họa — rõ ràng đã không thành, trong khi Mỹ sa lầy và thiệt hại", — chuyên gia nghiên cứu chính trị kết luận.