Việc làm ảo tràn lan mạng xã hội:Cảnh giác với các chiêu trò

© Sputnik / Natalia SeliverstovaMạng xã hội Facebook
Mạng xã hội Facebook - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các mô hình dạy làm giàu, kinh doanh online, kiếm tiền "việc nhẹ, lương cao" thực chất là chiêu trò, mập mờ để lừa người tham gia, nld cho biết.

Liên quan đến mô hình dạy kinh doanh, marketing online rồi mời người tìm việc tham gia khóa học, đóng tiền và cuối cùng là bán sản phẩm đa cấp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần cảnh giác với kiểu mập mờ, chiêu dụ người tham gia.

"Bẫy" tuyển dụng, có việc làm

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh phân tích về nguyên tắc, nếu các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng để làm sale (nhân viên bán hàng), trả lời điện thoại… sẽ không thu phí đầu vào, phí đào tạo hoặc thu nhưng sau đó trả lại. Với mô hình của công ty ban đầu giới thiệu "việc nhẹ, lương cao", sau đó mở khóa học online để thu hút, chiêu dụ người tham gia tuyển dụng và cuối cùng là trở thành nhân viên với điều kiện mua sản phẩm ban đầu, bán hàng đa cấp là không ổn.

"Công ty sẽ được rất nhiều từ thu tiền dạy học, bán sản phẩm, chiêu dụ mời mua sản phẩm, thậm chí cả bán tài liệu… Ở đây, các công ty này dùng chiêu mới là "tuyển dụng, có việc làm" chứ nếu chỉ mời tham gia bán hàng đa cấp bởi không dễ dụ người tham gia. Đây thực chất là một cái "bẫy" mà mọi người phải cảnh giác" — chuyên gia Phan Dũng Khánh cảnh báo.

Theo các chuyên gia, về mặt luật pháp, những mô hình dạy làm giàu online, thu tiền của người học không vi phạm pháp luật vì người tham gia không bị ép buộc, chỉ bị chiêu dụ, bị thu hút vì thấy hấp dẫn. Mập mờ ở đây là mượn quảng cáo "việc nhẹ, lương cao", rồi mời tham gia khóa học để được tuyển dụng, sau đó mới đến bán sản phẩm kinh doanh đa cấp. "Nếu các công ty tổ chức hội thảo, lớp học có thu tiền thì không sai, vì theo quy định chỉ có học rồi cấp văn bằng, chứng chỉ mới phải đăng ký. Vấn đề ở đây là các công ty này lập lờ, gây nhầm lẫn để lừa người tham gia" — luật sư Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) phân tích.

Khó can thiệp, xử lý

Vì sao những mô hình kinh doanh, học làm giàu online thu hút nhiều người tham gia? Chuyên gia tài chính — TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngay lời quảng cáo đã đánh vào tâm lý muốn có nhiều tiền nhưng làm việc nhẹ nhàng của nhiều người. Hiện có rất nhiều mô hình kinh doanh đa cấp trá hình, dưới dạng khóa học, dạy làm giàu, kinh doanh bất động sản, đánh vào lòng tham làm cho người tham dự khóa học bị lôi kéo, thậm chí "phát cuồng" bỏ cả tiền đầu tư ban đầu, mua sản phẩm.

"Họ dùng kỹ thuật diễn thuyết, chiêu trò làm cho nhiều người bị cuốn hút, mất cảnh giác, tin một cách mù quáng vào tương lai sẽ giàu nhanh, còn làm gì để có thu nhập cao thì lại rất mơ hồ" — TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

Các chuyên gia lưu ý hiện luật pháp không cấm mở các lớp dạy làm giàu, người tham gia không bị ép buộc nên cơ quan quản lý rất khó can thiệp, xử lý những trường hợp trên. "Nếu những công ty này huy động vốn từ người tham gia rồi trả lãi suất cao, mời gọi người tham gia lôi kéo người khác để hưởng hoa hồng thì mới là vi phạm. Do đó, những người có nhu cầu tìm việc cần cảnh giác với lời mời gọi, chiêu dụ dạng này. Cần tìm hiểu rõ công ty đó hoạt động ra sao, kiếm tiền bằng cách nào… trước khi tham gia"- ông Phan Dũng Khánh nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng bản thân người có nhu cầu việc làm, đóng tiền tham gia các khóa học cần tìm hiểu rõ học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không…

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала