'Không tính kỹ, xây nhà hát 1.500 tỷ để đắp chiếu thì uổng lắm'

© Fotolia / HuythoaiTP HCM
TP HCM - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo Zing, "TP cần tính toán để có phương án xây dựng phù hợp. Vị trí ở đâu? 1.700 chỗ có hợp lý chưa? Không tính toán kỹ, xây nhà hát xong để đắp chiếu thì uổng lắm", TS. Võ Kim Cương nói.

HĐND TP.HCM vừa thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm với số tiền 1.500 tỷ từ nguồn bán lô đất ở số 23 Lê Duẩn, quận 1. Chuyên gia cho rằng TP.HCM nên tính toán kỹ, để khi hoàn thành, nhà hát được khai thác hiệu quả.

1.500 tỷ có xây được nhà hát tầm cỡ?

Theo KTS Trương Nam Thuận (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam — Hội QHPTĐTVN)Thủ Thiêm được chọn làm nơi xây nhà hát là đúng về vị trí và chức năng công trình. 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà hát theo như dự thảo không phải là số tiền lớn.

Bên cạnh đó, vị KTS cũng cho rằng nếu xây thì quy mô 1.700 chỗ là quá nhỏ so với mật độ dân số của TP và tỷ lệ khách du lịch đến đây hàng năm.

"Nhìn sang các nước, với tầm siêu đô thị trên 10 triệu dân như TP.HCM, họ dành số tiền đầu tư cho công trình mang tính biểu tượng văn hóa rất lớn, vài trăm triệu USD là bình thường, so với số tiền 1.500 tỷ (khoảng hơn 64 triệu USD) của chúng ta thì không hề lớn", ông Thuận cho biết.

© Ảnh : Lê QuânKhu đất ở Thủ Thiêm được quy hoạch để xây dựng nhà hát.
Khu đất ở Thủ Thiêm được quy hoạch để xây dựng nhà hát. - Sputnik Việt Nam
Khu đất ở Thủ Thiêm được quy hoạch để xây dựng nhà hát.

Tuy nhiên, theo KTS Thuận, thời điểm mà TP vẫn còn nhiều vấn đề an sinh xã hội chưa được giải quyết thì việc sử dụng 1.500 tỷ lúc này có vẻ chưa hợp lý.

Ông Thuận cũng cho rằng đến thời điểm hợp lý để xây nhà hát thì TP không nên lấy vốn ngân sách để xây dựng. Bởi còn rất nhiều dự án dân sinh xã hội chưa tới nơi tới chốn: Dự án tiêu tốn 10.000 tỷ chống ngập nhưng vẫn ngập lênh láng, Metro ngưng trệ,… KTS cũng đề xuất việc nên cho tư nhân đấu thầu để xây dựng công trình này.

"Nên giao cho tư nhân xây dựng. Cơ chế của TP trong tương lai là cơ chế tiên phong thị trường, Chính phủ cho thí điểm giữ lại ngân sách phát triển hạng mục của TP, tạo điều kiện cho tư nhân. Ở Mỹ các công trình này tư nhân làm tốt hơn Nhà nước, nếu làm không tốt thì họ vẫn sẽ lo tốt vì đó là lợi nhuận của tư nhân", ông Thuận nói.

"Chậm lại một chút"

TS. Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho rằng nhà hát đẳng cấp là cần thiết với một trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP.HCM. Ông nhận định một công trình tầm cỡ sẽ giúp TP phát triển. Tuy nhiên, cựu Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng thời điểm xây nhà hát chưa thật sự phù hợp.

"Tôi nghĩ TP nên chậm lại một chút, vừa tính toán mọi thứ hợp lý và quan trọng hơn là giải quyết ổn định đời sống cho bà con. Thủ Thiêm còn tồn tại quá nhiều đau thương nên trong lúc này, dù không hề muốn, nhắc đến việc xây nhà hát tại đây khó tránh khỏi lòng dân không thuận. Chưa kể ngập nước, thiếu bệnh viện, trường học,… là những vấn đề rất cần quan tâm. Trong lúc này dùng tiền ngân sách để xây dựng là chưa đúng thời điểm. An sinh xã hội cho tốt mới tính đến nhu cầu tinh thần", ông Kim Cương nói.

Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng đánh giá nhu cầu hưởng thụ âm nhạc, nghệ thuật ở nhà hát của Việt Nam so với các nước Châu Âu thấp hơn. Nên việc xây dựng một công trình văn hóa để biến nó trở thành biểu tượng của quốc gia là điều cần thiết nhưng không gấp.

© Ảnh : zingTình trạng ngập lụt ở Sài Gòn là một trong số nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc
Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn là một trong số nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc - Sputnik Việt Nam
Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn là một trong số nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc

Về số tiền 1.500 tỷ để xây nhà hát, ông Cương cho rằng không hề lớn với một công trình tầm cỡ. Ông dẫn chứng riêng việc trùng tu Nhà hát Lớn ở Hà Nội đã tiêu tốn khoảng hơn chục triệu đô. Do vậy, số tiền đầu tư nghe có vẻ nhiều nhưng thật sự là nhỏ.

"TP cần tính toán kỹ quy mô, nhu cầu đại chúng để có phương án xây dựng phù hợp khi đúng thời điểm. Vị trí ở đâu? Liệu 1.700 chỗ có hợp lý chưa? Tôi chỉ sợ công trình xây nên mà không tính toán kỹ, chuẩn bị đầy đủ mà để đắp chiếu thì uổng lắm", ông Cương lo ngại.

Hai chuyện tách bạch

Trao đổi với Zing.vn, GS.TS. Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM — Sở QHKT) cho biết ông có nhiều năm làm trong nghề và biết rất rõ việc xây dựng nhà hát là quyết tâm của TP.HCM 20 năm qua. Do vậy, ông hoàn toàn ủng hộ dự án này.

"Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay TP đã có nguồn vốn để xây dựng. Thủ Thiêm là vị trí lõi trung tâm, đã được quy hoạch nên rất thuận lợi cho việc xây dựng công trình nhà hát", nguyên Giám đốc Sở QHKT nói.

Đề cập đến việc cơ sở hạ tầng ở TP.HCM vẫn còn yếu kém, thiếu thốn, GS.TS Hòa chỉ ra các đô thị lớn ở các nước đang phát triển cũng luôn luôn gặp các vấn đề về cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục. Đó là hệ quả của quá trình đô thị hóa và việc giải quyết nó là chuyện lâu dài. Ông cho rằng TP vẫn đang giải quyết những câu chuyện đó mỗi năm.

Đối với những ý kiến cho rằng Thủ Thiêm đang có nhiều vấn đề chưa giải quyết cho người dân nên cần cân nhắc xây dựng nhà hát vào thời điểm này, ông Hoà cho rằng hai câu chuyện này tách bạch, không liên quan với nhau. Thủ Thiêm có sai phạm thì thanh tra rồi giải quyết, điều này vẫn đang được tiến hành. Còn TP vẫn cần phải phát triển, không nên chỉ vì thanh tra sai phạm mà không làm.

"Nếu không phải xây ở Thủ Thiêm mà xây ở nơi khác thì chúng ta có đồng ý cho xây không? Tôi nghĩ là sự phản đối có thể nhẹ hơn. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận các vấn đề tách bạch. Thủ Thiêm đang tồn tại nhiều vấn đề nhạy cảm, nhưng không nên vì thế mà trì hoãn lại tất cả các công trình", ông Hòa nhấn mạnh.

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала