Thời gian gần đây, việc chính quyền xin lỗi dân không còn là chuyện lạ. Chậm trả kết quả hồ sơ hành chính cho dân, chính quyền viết thư xin lỗi; giải quyết sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của dân, chính quyền xin lỗi,… Công khai xin lỗi dân trở thành quy định bắt buộc đối với cán bộ công chức tại một số địa phương.
Tuy vậy, xin lỗi vẫn thực sự chỉ là nếp văn hóa trong nền công vụ. Đâu đó, vẫn còn tâm lý đổ lỗi thay vì xin lỗi. Thậm chí sai phạm được chỉ rõ nhưng cán bộ vẫn quyết không nói lời xin lỗi hoặc có xu hướng xin lỗi cho xong, cho qua chuyện.
Để hiểu rõ, văn hóa và trách nhiệm trong lời xin lỗi của cán bộ với người dân, phóng viên VOV trao đổi PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển về vấn đề này.
PV: Theo ông, việc xin lỗi dân của cán bộ, lãnh đạo có ý nghĩa và mang lại hiệu ứng, hiệu quả gì?
PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San: Theo tôi, chuyện lãnh đạo xin lỗi người dân cực kỳ quan trọng và có thể mang lại một số hiệu quả. Trước tiên, trong các vụ tiếp xúc, nhiều khi căng thẳng thường xuyên xảy ra giữa một đám đông, nhất là giữa người dân với chính quyền. Lúc này, nếu người có trách nhiệm nói câu "xin lỗi" thì tác động đầu tiên là làm hạ hỏa. Tức là làm cho tình hình tự nhiên mềm dịu đi.
Thứ hai, nếu chúng ta nói lời "xin lỗi", về phía người dân, họ cảm thấy mình được tôn trọng. Tôi thấy chuyện được tôn trọng cũng rất quan trọng. Bởi, bản chất con người ai cũng muốn được tôn trọng, nhất là được người có trách nhiệm tôn trọng lại càng tốt.
Thứ 3, là mang lại sự tin tưởng, nếu người ta nói lời "xin lỗi" thì người dân cũng bắt đầu có niềm tin rằng, câu chuyện này có thể được giải quyết theo một xu hướng tích cực. Tức là, theo xu hướng phù hợp với lợi ích của các bên. Chứ không phải chỉ là sự áp đặt của một bên nào đó.
PV: Như vậy, nói như ông có thể thấy hiệu ứng của lời "xin lỗi" sẽ làm không khí dịu đi, thể hiện sự tin trưởng. Thế nhưng, lâu nay, khi có lỗi, có sai phạm, cán bộ lại khó nói lời "xin lỗi" đến như vậy, thưa ông?
PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San: Liên quan đến việc này, theo tôi, chỉ đúng một nửa, Thực ra lời nói "xin lỗi", không hẳn khó mà tùy trường hợp. Ai trong chúng ta phải nói lời "xin lỗi"? Câu chuyện xin lỗi với dân quả thực hơi khó. Bởi, đây là câu chuyện hết sức tế nhị. Trước tiên lời "xin lỗi" đó không phải của cá nhân một người mắc sai lầm mà có khi sai lầm của cả hệ thống. Do vậy, câu chuyện đầu tiên là xác định được ai có lỗi, có tồn tại lỗi đó hay không?
Cùng với đó, bộ máy chính quyền nhà nước từ trước đến nay thường coi mình là quan trọng, còn người dân thấp hơn và không quan trọng. Vì vậy, khi họ đứng trước người không quan trọng, thấp hơn so với vị thế của mình thì nói câu "xin lỗi" rất khó khăn. Hiện, chúng ta đang chuyển sang Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ thì người dân mới đang được phát huy quyền làm chủ của mình.
Tuy nhiên, thói quen đó chưa phải ngày một ngày hai mà thay đổi được. Vì vậy, thái độ này vẫn còn tồn tại. Cuối cùng, có nhiều chuyện cán bộ, công chức tin tưởng sâu sắc rằng, cách giải quyết của họ là đúng. Cho nên, họ thấy không phải xin lỗi cho việc lỗi không thuộc về mình.
PV: Có ý kiến cho rằng, hành động xin lỗi là thừa nhận yếu kém và thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo trong công việc. Vì thế, không phải ai cũng sẵn sàng nhận lỗi và nhiều khi nhận lỗi lại là đổ lỗi. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San: Tôi cho rằng, đây là tâm lý bình thường của con người và chúng ta cũng phải xét trong hoàn cảnh cụ thể. Hiện nay, Bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, nhiều khâu, nhiều bộ phận khác nhau. Nhiều khi việc làm sai có thể không phải ở người trực tiếp làm việc với người dân mà còn bộ phận khác nữa. Ví dụ, câu chuyện Thủ Thiêm diễn ra hơn 20 năm. Giờ câu chuyện đó đổ lỗi cho ai, hay cuối cùng chỉ vì cái bản đồ bị thất lạc? Vậy ai là người có lỗi ở đây?.
Vì vậy, chúng ta phải thông cảm Bộ máy nhà nước nhiều khi phức tạp, chịu ảnh hưởng của rất nhiều khâu khác nhau. Vì vậy, việc xác định lỗi tại ai là điều khó. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, dù lỗi có thuộc về ai thì người cán bộ- đại diện bộ máy đó phải có trách nhiệm xin lỗi người dân vì những gì chúng ta đã làm. Như câu chuyện ở Thủ Thiêm, 20 năm ròng, hàng núi hồ sơ và bao nhiêu tiền của đi lại của người dân, phải tính thế nào?… và câu chuyện sai lầm ở đây là rất nhiều. Nhưng đã có sai lầm thì theo tôi, cũng nên có lời xin lỗi sòng phẳng và có trách nhiệm với người dân.
PV: Trong nền công vụ, không ít trường hợp nhận lỗi nhưng lại là lỗi tập thể. Theo ông, cách thức và nội dung xin lỗi như vậy đã thực sự phù hợp và thể hiện văn hóa, trách nhiệm của người xin lỗi chưa?
PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San: Nền hành chính của chúng ta hơi khác biệt các nước khác, các quyết định được đưa ra là quyết định tập thể. Tuy nhiên, nền hành chính của chúng ta cũng giống như các nước là quyết định của tập thể nhưng cá nhân phải chịu trách nhiệm. Cho nên, câu chuyện xin lỗi ở đây là câu chuyện bắt buộc phải làm. Và với vai trò của mình, bất kỳ trục trặc gì xảy ra, dù người đứng đầu cơ quan đó không trực tiếp làm vẫn phải chịu trách nhiệm với việc làm của người dưới quyền.
Tuy nhiên, để làm được việc đó, họ phải có toàn quyền sắp xếp bộ máy nhân sự của mình và người dân cũng có quyền bầu họ lên hay không bầu họ nữa. Và đó là câu chuyện cải cách hành chính trong tương lai. Trong bộ máy hành chính của chúng ta hiện nay, nhiều khi trách nhiệm đưa ra không phải do cá nhân người đứng đầu, cá nhân người được cử mà đây là ý kiến tập thể.
Theo tôi, cải cách hành chính trong tương lai, phải đi theo đường lối trên thế giới, người chịu trách nhiệm là người đưa ra quyết định, còn những người khác là người có thể đóng góp ý kiến. Nhưng trách nhiệm cuối cùng thuộc về người đưa ra quyết định đó. Khi cần họ có thể sẵn sàng từ chức. Đây cũng là chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi. Đó là, sau này lãnh đạo của chúng ta phải có văn hóa từ chức.
PV: Có thực tế, đôi khi hành động xin lỗi bị lạm dụng. Ví như, có chính quyền huyện trong một tháng đã gửi hơn 400 thư xin lỗi đến người dân vì chậm trả kết quả hồ sơ hành chính. Thậm chí có tâm lý xin lỗi cho yên chuyện, còn sai phạm cứ tiếp tục ngâm ở đó, từ từ giải quyết. Ông có bình luận gì về những trường hợp này?
PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San: Câu chuyện lời nói "xin lỗi" thực ra vẫn chỉ là ứng xử văn hóa chứ chưa kèm theo trách nhiệm nặng nề. Tôi nghĩ, xin lỗi khác với nhận lỗi. Khi nhận lỗi mới bắt đầu kèm theo trách nhiệm, những ràng buộc và hệ lụy cụ thể. Chính vì hiểu nó mới chỉ là yếu tố văn hóa, cho nên mới có yếu tố lạm dụng. Cứ nói "xin lỗi, xin lỗi" và câu chuyện 400 từ "xin lỗi" là minh chứng cụ thể cho sự lạm dụng đó.
Trong tương lai, theo tôi, đằng sau lời "xin lỗi" phải kèm theo trách nhiệm cụ thể đối với lời xin lỗi. Khi chúng ta nói lời "xin lỗi" thì đằng sau đó là những lỗi lầm, những thiệt hại cụ thể có thể là tinh thần, vật chất đã gây ra cho người dân.
Từ thực tế này, các cơ quan hành chính cũng phải thận trọng khi nói lời "xin lỗi". Vì đã nói lời "xin lỗi" thì ẩn đằng sau đó, là những hậu quả do hành động của chúng ta, của những người trong cuộc gây ra cho người dân. Và nền hành chính hiện đại cũng nên quy trách nhiệm cụ thể. Nhẹ thì kiểm điểm, phê bình. Nặng thì có thể buộc phải từ bỏ công việc, nặng hơn nữa có thể chịu trách nhiệm hình sự.
PV: Xin cảm ơn PGS, Tiến sỹ Phạm Bích San.