Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến Việt Nam lần thứ hai trong một năm (điều hiếm hoi) cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng trong hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước.
Bộ trưởng Mattis từng đến thăm Hà Nội hồi tháng 1 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
3 tháng sau đó, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sau chiến tranh.
2 chuyến thăm trong một năm là khác thường
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Mattis sẽ đến TP.HCM, thăm sân bay Biên Hòa và gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Dù các bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới VN đã trở thành bình thường, việc có 2 chuyến thăm trong một năm là một sự kiện khác thường, theo AP. TP.HCM cũng hiếm khi nằm trong lịch trình của các bộ trưởng.
Lần gần nhất một lãnh đạo Lầu Năm Góc đến thăm TP.HCM là vào năm 2000, khi ông William Cohen trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau chiến tranh.
Ban đầu, chuyến thăm tới Bắc Kinh này của ông Mattis có cả điểm dừng ở Bắc Kinh, nhưng chuyến đi này bị hủy giữa lúc căng thẳng Mỹ — Trung về thương mại và quốc phòng ngày càng gia tăng.
Trung Quốc vừa từ chối không cho tàu chiến Mỹ vào cảng Hong Kong. Vài tháng trước, Bộ trưởng Mattis hủy lời mời Trung Quốc tập trận hàng hải ở Thái Bình Dương. Hồi tháng 9, Bắc Kinh yêu cầu Washington chấm dứt buôn bán vũ khí với Đài Loan và triệu hồi Phó đô đốc Hải quân Thẩm Kim Long về nước khi ông chuẩn bị thăm Mỹ.
Theo AP, các động thái leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cho thấy phần nào điều chỉnh chính sách quốc phòng Mỹ ở khu vực.
Việt Nam là đối tác tự nhiên của Mỹ
Ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho rằng Việt Nam đang điều chỉnh dần chính sách cân bằng ngoại giao và quốc phòng của mình.
"Tôi nghĩ Việt Nam ủng hộ một số chính sách của Tổng thống Trump", ông Kurlantzick đề cập đến "chiến lược Ấn Độ — Thái Bình Dương tự do, cởi mở" của Mỹ. Sáng kiến nhấn mạnh việc đảm bảo tất cả các nước trong khu vực được tự do bảo vệ hải phận, đặc biệt tại vùng Biển Đông, và cởi mở với thương mại quốc tế.
"Ngoài Singapore, Việt Nam là một đối tác tự nhiên nhất của Mỹ (ở khu vực)", ông Kurlantzick nói. Việc tiếp giáp Biển Đông khiến Việt Nam, quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề biển đảo, trở một thành nhân tố quan trọng với Mỹ ở khu vực.
Theo AP, sự phát triển vượt trội về kinh tế trong 30 năm qua đã giúp Việt Nam mở cửa đón nhận làn sóng đầu tư và thương mại từ nước ngoài. Đây đồng thời là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Khi rời Hà Nội hồi tháng 1, Bộ trưởng Mattis khẳng định chuyến thăm của ông cho thấy Mỹ và Việt Nam chia sẻ nhiều lợi ích chung, một số có từ trước cuộc chiến tranh cách đây hơn nửa thế kỷ.
"Không ai trong số chúng ta thích việc bị xâm lược", ông Mattis khi đó nói.
Theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, ông Mattis đang làm theo hướng dẫn được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ và Chiến lược Quốc phòng Mỹ, bổ sung Việt Nam vào mạng lưới hợp tác quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức đối với an ninh khu vực.
Trong chuyến thăm lần này, ông Mattis cũng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo từ VN trong việc tiếp tục duy trì cấm vận đối với Triều Tiên.
Ngoài ra, phía Mỹ cũng kỳ vọng đẩy mạnh hơn hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có việc thường xuyên thực hiện nhiều chuyến thăm hải quân hơn.