Theo quy hoạch, TP HCM sẽ có 6 tuyến xe buýt nhanh BRT, trong đó tuyến số 1 đã cơ bản xong thiết kế chi tiết nhưng hiện "bất động" để chờ điều chỉnh một số nội dung nhằm phù hợp hơn.
Sẽ điều chỉnh
Tuyến buýt BRT số 1 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM làm chủ đầu tư.
Trong kế hoạch triển khai trước đó, tuyến buýt này hoạt động trên quãng đường 23 km, theo lộ trình từ đường Võ Văn Kiệt qua hầm sông Sài Gòn tới đường Mai Chí Thọ. Điểm đầu là vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), điểm cuối là khu vực Rạch Chiếc (quận 2). Làn đường 2 bên dải phân cách giữa đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ sẽ dành cho xe buýt nhanh với 2 chiều xuôi ngược. Dọc tuyến có 28 điểm dừng đón, trả khách, cải tạo 6 cầu bộ hành hiện hữu và xây mới 11 cầu bộ hành… Làn xe buýt nhanh tách biệt với các làn đường khác và có 8 điểm giữ xe máy để người dân thuận tiện gửi rồi chuyển qua xe buýt.
Tuyến BRT này có tổng mức đầu tư 143,679 triệu USD, trong đó vay của Ngân hàng Thế giới 123,615 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP HCM. Doanh thu là từ tiền vé, quảng cáo tại các nhà chờ, trên phương tiện… Trong năm đầu khai thác, tuyến BRT số 1 sẽ kết nối vào Bến xe Chợ Lớn, chợ Bến Thành (kết nối giữa quận 5 và quận 1). Bên cạnh đó, kế hoạch khi Bến xe Miền Tây (huyện Bình Chánh) mới đưa vào hoạt động từ năm 2020, tuyến BRT số 1 sẽ có điểm đầu tại đây nhằm thuận tiện cho người dân đi lại. Với lộ trình trên, tuyến buýt này được xem là rút ngắn thời gian đi lại trên hành lang Đông — Tây của TP, nhất là giờ cao điểm với khả năng vận chuyển tối đa 132.000 khách/ngày và tốc độ được đề xuất trước đó là 31,5 km/giờ.
Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, qua kết quả đánh giá về tính khả thi, hiệu quả của tuyến thì cần tiếp tục điều chỉnh. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết một số nội dung sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp tình hình phát triển đô thị dọc tuyến, sau đó mới tiếp tục triển khai.
Cần làn đường riêng
Theo một số chuyên gia giao thông, ưu điểm của buýt BRT là có tính cơ động cao do hoạt động trên hệ thống giao thông đường bộ sẵn có. Đồng thời, chi phí đầu tư không lớn so một số loại hình khác, trong khi có thể tiếp cận được nhiều khu vực có điều kiện hạ tầng khác nhau, giải quyết các chuyến đi liên vùng, nội bộ hoặc "gom" khách đến tuyến metro khi đưa vào hoạt động. Với tuyến BRT số 1, lộ trình dọc tuyến Võ Văn Kiệt — một trong các tuyến đường lớn tại TP — nên bố trí làn riêng cho xe buýt nhanh không khó thực hiện. Tuy nhiên, từ bài học BRT tại Hà Nội, cần đánh giá tính hiệu quả, nhu cầu sử dụng của người dân để tránh thất bại. Trước hết, phải tính toán việc kết nối với mạng lưới xe buýt của TP, bởi nếu chỉ riêng buýt BRT thì khó tồn tại lâu dài do không thu hút được khách.
Theo Sở GTVT, trong khi chờ những dự án quy mô, sở vẫn tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp có thể làm ngay như tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, giúp loại hình này hoạt động đúng giờ và bảo đảm tốc độ nhanh hơn. Trước đó, vào khoảng năm 2003, TP HCM đã tổ chức thử nghiệm bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt trên hành lang đại lộ Trần Hưng Đạo, mang lại nhiều hiệu quả khi xe buýt hoạt động đúng giờ, lượng khách tăng và số vụ tai nạn liên quan xe buýt cũng rất ít. Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương quận 5 phản ứng việc bố trí làn ưu tiên đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh buôn bán nên việc tổ chức như trên bị ngưng. Sau đó, TP tiếp tục triển khai làn đường ưu tiên dành cho xe buýt trên một số tuyến đường khác nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn do vướng công trình thi công. Tuy nhiên, việc bố trí làn ưu tiên cho xe buýt là cần thiết bởi khi xe buýt hoạt động đúng giờ thì nhu cầu sử dụng của dân sẽ tăng.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng — Sở GTVT, cho biết các đơn vị vẫn đang nghiên cứu tổ chức làn đường riêng cho xe buýt trên 2 tuyến Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu. Các tuyến xe buýt có thể chỉ hoạt động trong khung giờ cao điểm, với mật độ dày đặc và liên tục, tạo thành một hệ thống chuyên chở khách với khối lượng lớn. Tuy nhiên, hiện các phương án vẫn đang được nghiên cứu, trong đó cần có các kịch bản cụ thể về tổ chức giao thông của cả khu vực.